Du lịch Việt Nam hướng tới tương lai

10:44 - Thứ Sáu, 10/07/2020 Lượt xem: 10934 In bài viết

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2020 được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển quan hệ kinh doanh, thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch sau đại dịch COVID-19.

Họp báo thông tin về VITM Hà Nội 2020. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 9/7, Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin về việc tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 (Hội chợ VITM Hà Nội 2020) với chủ đề "Du lịch Việt Nam hướng tới tương lai", dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 15/8 tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Hội chợ VITM Hà Nội 2020 được tổ chức nhằm khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19, đồng thời tạo cơ hội cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và phát triển quan hệ kinh doanh, thúc đẩy phát triển các loại hình: Du lịch nội địa, inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) và outbound (đưa khách đi du lịch nước ngoài).

Đến ngày 9/7, Hội chợ đã có sự đăng ký tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ 54 tỉnh, thành trong cả nước và từ 10 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện tại, hơn 500 doanh nghiệp đã đăng ký.

Tại hội chợ, các đơn vị sẽ tham gia một số hoạt động nổi bật, gồm: Trao đổi, hỗ trợ thông tin (B2B); giới thiệu điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch và dịch vụ của các quốc gia, vùng lãnh thổ, doanh nghiệp du lịch; tổ chức các hội nghị liên kết xây dựng sản phẩm du lịch giữa các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Bên cạnh đó, hội chợ còn có các hoạt động bên lề quan trọng, như: Diễn đàn quốc gia "Du lịch Việt Nam thay đổi để phát triển"; Diễn đàn Xúc tiến du lịch ACMEC đến các thị trường Đông Bắc Á; Lễ vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm 2019 (VITA Awards); tổ chức giải VITM Marathon (online); Liên hoan Tiểu phẩm sinh viên du lịch lần thứ II; trình diễn nghệ thuật truyền thống quốc tế và Việt Nam - sản phẩm du lịch văn hóa.

Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, sau 2 tháng khởi động lại các hoạt động du lịch, ngành du lịch đã có những tín hiệu hồi phục đáng mừng, tuy nhiên nhìn chung cả ngành vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều cơ sở lưu trú tại những trung tâm du lịch lớn vẫn chưa thể mở cửa, như Hà Nội, TPHCM, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long… vì chưa có khách.

Sáu tháng qua đã có 148 doanh nghiệp lữ hành quốc tế không trụ nổi đã phải xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. Đặc biệt, thời gian tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn để khôi phục trở lại, không loại trừ sẽ phá sản.

Ở một số trung tâm nghỉ dưỡng, công suất buồng phòng chỉ đạt 30-50% vào ngày trong tuần và khoảng 80-90% vào dịp cuối tuần. Nhưng đa phần vẫn là “không có khách”, và nhiều nơi phục hồi rất yếu ớt. Nhiều cơ sở lưu trú đã phải rao bán và chuyển nhượng quyền kinh doanh. Nhiều nhân lực ngành du lịch vì mưu sinh mà phải chuyển đổi ngành nghề, từ bỏ công việc mà mình đã gắn bó hàng chục năm...

Ngành du lịch hiện nay đang rất tích cực trong việc quảng bá “Điểm đến Việt Nam an toàn”, lan tỏa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Được biết, trong những tháng cuối năm, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điểm đến, chất lượng dịch vụ du lịch, đẩy mạnh e-marketing, quảng bá online…

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top