Kỳ vọng hợp tác du lịch Tây Bắc với TP. Hồ Chí Minh

11:07 - Chủ Nhật, 23/08/2020 Lượt xem: 9689 In bài viết

ĐBP - Ngành Du lịch vừa bắt đầu hồi phục lại bị ngưng trệ vì dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, trong đó có Điện Biên phải hoãn lại, nhưng các bước chuẩn bị vẫn đang được tỉnh nhà tiến hành, kỳ vọng là cú hích cho du lịch phát triển.

Du khách tham quan di tích hầm Đờ - cát. Ảnh: Bảo Anh

Theo dự kiến ban đầu, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra trong tháng 8/2020, nhưng với điều kiện, tình hình hiện tại thì chưa thể tổ chức. Nội dung chương trình gồm: Khảo sát để xây dựng chương trình/kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch; diễn đàn trực tuyến hiến kế phát triển liên kết du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc mở rộng; gian hàng giới thiệu và kích cầu các sản phẩm, sản vật du lịch đặc trưng, điểm đến nổi bật; hội nghị lãnh đạo cấp cao về liên kết hợp tác phát triển du lịch; đón các đoàn khách đầu tiên của chương trình du lịch kết nối mới giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc mở rộng tại tỉnh Phú Thọ. Các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết thường xuyên trao đổi về kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng của địa phương. TP. Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm du lịch hiện có của khu vực Đông Nam Bộ; các tỉnh Tây Bắc mở rộng tập trung giới thiệu về các sản phẩm du lịch gắn liền với địa phương: Du lịch biên giới, văn hóa, tâm linh, sản phẩm du lịch đồng quê, văn nghệ dân gian, văn hóa ẩm thực đặc trưng, nông sản địa phương... nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ hỗ trợ giới thiệu các sản vật du lịch đặc trưng của 8 địa phương đến các chuỗi cung ứng hàng hóa bán sỉ và lẻ tại địa bàn.

Đối với Điện Biên, việc hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc mở rộng đã là hoạt động được quan tâm từ lâu và triển khai nhiều năm nay. Riêng TP. Hồ Chí Minh, mặc dù hàng năm có tham gia một số hội chợ, giới thiệu sản phẩm du lịch tại đây nhưng chưa có nhiều cơ hội hợp tác. Ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch cho biết: “Số lượng du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên tăng qua từng năm. Khách du lịch TP. Hồ Chí Minh chia thành các nhóm theo nhu cầu thăm thú, trải nghiệm khác nhau, nhưng chủ yếu là theo 3 hành trình chính: Tham quan các di tích lịch sử, tổ chức sinh hoạt chính trị, kết nạp Đảng tại các điểm di tích; khám phá và chinh phục mốc biên giới số 0 phân định giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc tại A Pa Chải (huyện Mường Nhé); tìm hiểu văn hóa vùng cao. Nếu Cảng Hàng không Điện Biên được nâng cấp, mở thêm chặng bay thì chắc chắn sẽ càng thu hút thêm nhiều lượt khách”. Trong dự kiến chương trình hợp tác, TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng lên kế hoạch xây dựng được ít nhất 3 chương trình tour mới là: Về miền đất Tổ - cội nguồn dân tộc, Hương sắc vùng cao, Bản hùng ca Tây Bắc. Trong đó tour “Bản hùng ca Tây Bắc” có lịch trình dừng chân tại Điện Biên. Lịch trình cụ thể sẽ được các bên cùng công ty du lịch xây dựng cụ thể.

Các hoạt động trên nhằm tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, phát huy tiềm năng của các địa phương; hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, tăng cường phát triển nguồn lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. Tham gia liên kết, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ chương trình, Điện Biên dự kiến giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh nhà, đặc biệt là Lễ hội Hoa Ban, tour du lịch A Pa Chải cùng 1 tour mới là khám phá huyện vùng cao Tủa Chùa với điểm nhấn là hệ thống hang động đã được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia và các chợ phiên truyền thống đậm sắc màu dân tộc.

Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đang rất được kỳ vọng đối với các tỉnh Tây Bắc mở rộng nói chung và Điện Biên nói riêng. Qua đây tạo điều kiện, động lực để du lịch thực sự phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thúc đẩy “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top