Sớm kết nối sản phẩm OCOP với du lịch

10:29 - Thứ Bảy, 26/09/2020 Lượt xem: 9419 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh hiện có 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu có mặt rải rác trong siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh còn tại các điểm tham quan, du lịch vẫn vắng bóng. Do đó các sản phẩm OCOP chưa thể tiếp cận tốt với đối tượng khách hàng tiềm năng là khách du lịch đến Ðiện Biên.

Khu vực di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng chủ yếu bày bán nông sản địa phương, hàng thổ cẩm… mà chưa có sản phẩm OCOP.

Ðiểm du lịch vắng bóng sản phẩm OCOP

Ðầu tháng 9, tôi đón cô bạn từ tỉnh Quảng Ninh lần đầu đến Ðiện Biên công tác. Sau khi tham quan các điểm di tích lịch sử, bạn tôi muốn mua một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh, được công nhận tiêu chuẩn chất lượng về làm quà. Tuy nhiên, tại các điểm di tích, tham quan du lịch như: Ðồi A1, hầm Ðờ - cát, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng... chỉ thấy bày bán một số nông sản địa phương, quần áo thổ cẩm, đồ lưu niệm mà không có sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh.

Thực tế, không chỉ bạn tôi mà nhiều khách du lịch khi đến Ðiện Biên loay hoay không biết mua ở đâu các sản phẩm đặc trưng địa phương đảm bảo chất lượng. Hầu hết du khách sau khi thăm các điểm di tích đều tìm đến các chợ trung tâm trên địa bàn thành phố để mua các sản phẩm đặc sản địa phương về sử dụng hoặc làm quà. Một số cửa hàng có bán sản phẩm OCOP của tỉnh song số lượng rất ít, không có biển chỉ dẫn và bày bán đại trà với nhiều sản phẩm khác khiến khách du lịch khó tiếp cận. Trong khi đó, Ðiện Biên chưa xây dựng điểm, trạm dừng chân có gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP được công nhận.

Là sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao của tỉnh, gạo Tâm Sáng do Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) sản suất được đánh giá có khả năng cạnh tranh trên thị trường, sản lượng tiêu thụ gạo thành phẩm ước đạt 500 - 600 tấn/vụ. Ông Quản Bá Tới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên cho biết: Sản phẩm gạo của hợp tác xã đã tiếp cận được một số thị trường như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên và tham gia nhiều hội chợ, phiên chợ thương mại trong nước. Còn với thị trường nội tỉnh, chúng tôi đã đưa sản phẩm vào Siêu thị Tâm Ðỏ và Siêu thị Hoa Ba. Song đến nay sản phẩm của chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được với đối tượng khách du lịch do chưa được bày bán tại các điểm tham quan, di tích.

Cần sớm kết nối

Trao đổi về việc sản phẩm OCOP vẫn vắng bóng tại các điểm du lịch, ông Phạm Văn Thăng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Ðể tăng cường quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP với du lịch, đầu năm 2020 ngành đã đề xuất với Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về nội dung thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường đăng tải tin, bài, hình ảnh sản phẩm OCOP trên cổng thông tin điện tử và trang Fanpage “Du lịch Ðiện Biên”; biên soạn, giới thiệu các sản phẩm OCOP trong các ấn phẩm của Trung tâm Xúc tiến du lịch; tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại điểm thông tin du lịch trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ. Tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP tại Lễ hội Hoa Ban, các sự kiện du lịch ở các tỉnh, thành phố trong nước và tại tỉnh Luông Phra Băng (nước CHDCND Lào). Ðồng thời, phối hợp với Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh khảo sát, xây dựng lắp đặt 6 pano lớn giới thiệu sản phẩm OCOP tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ và các điểm di tích. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Lễ hội Hoa Ban 2020 và nhiều sự kiện du lịch cũng như kế hoạch khác đều bị hoãn, hủy.

Công trình Trung tâm Giao lưu văn hóa và thông tin du lịch Ðiện Biên Phủ (khởi công xây dựng từ tháng 12/2019, dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thiện) là điểm trưng bày, tổ chức sự kiện với quy mô từ 800 - 1.000 người. Theo thiết kế, Trung tâm sẽ bố trí 3 ki ốt (mỗi ki ốt có diện tích khoảng 20m2) để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh. Sau khi hoàn thiện, đưa vào sử dụng, Trung tâm Xúc tiến du lịch sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa các sản phẩm OCOP vào trưng bày, giới thiệu và bán tại các ki ốt này. Ðối với các tour, tuyến du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch cũng đang xây dựng các điểm dừng chân cho du khách trong hành trình đến tham quan các điểm di tích và tại điểm dừng chân có trưng bày sản phẩm OCOP. Ngoài ra, để có thể tiếp cận tốt hơn nữa với khách du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với ngành liên quan chọn những sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Cà phê, chè, mật ong, gạo... để tạo kênh phân phối cho khách du lịch có nhu cầu mua sắm.

Ðược công nhận là sản phẩm OCOP mới chỉ là bước đầu, để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng và đứng vững trong thị trường còn là chặng đường dài, cần nhiều yếu tố. Trong đó đẩy mạnh kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch cũng là một giải pháp tốt.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top