Bài toán “thừa và thiếu” trong phát triển du lịch

09:20 - Thứ Tư, 16/12/2020 Lượt xem: 9736 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên là địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) quy hoạch phát triển thành vùng du lịch lịch sử. Thế nhưng bên cạnh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử thì không thể không chú trọng việc khai thác các thế mạnh về tự nhiên và các yếu tố mang bản sắc văn hóa để phát triển bền vững. Thực tế hiện nay, ngành Du lịch Ðiện Biên đang phải đối mặt với bài toán “thừa và thiếu” trong việc phát huy lợi thế. Ðó là thừa tiềm năng nhưng lại thiếu trọng tâm, thiếu điểm nhấn và thiếu tiềm lực để biến tiềm năng thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Ðó chính là yếu tố quan trọng bên cạnh yếu tố nòng cốt là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có đủ sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Du khách quốc tế tham quan di tích Mường Phăng. Ảnh: Đức Thành

Có thể thấy trong những năm gần đây, ngành VHTT&DL Ðiện Biên đã rất nỗ lực trong việc khơi dậy, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó là phát hiện và lập hồ sơ công nhận nhiều di tích, hang động tự nhiên quý giá. Bằng chứng là đến nay toàn tỉnh đã có 10 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Lễ Gạ ma thú (lễ cúng bản) của dân tộc Hà Nhì; Lễ hội Thành Bản Phủ - Ðền Hoàng Công Chất; Lễ Kin Pang Then của dân tộc Thái; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông; Nghệ thuật Xòe Thái; Tết Hoa Mào Gà (Mền Loóng Phạt Ái) của dân tộc Cống; Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông; Tết Té Nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào. Gần đây nhất có thêm 2 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ Cấp sắc (Tủ Cải) của dân tộc Dao và Lễ Pang Phoóng (Lễ Tạ ơn) của dân tộc Kháng... Cùng với đó, nhiều hang động tự nhiên cũng được phát hiện và được công nhận là di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Tuy vậy, để phát huy giá trị và làm cho di sản “sống” được một cách tự nhiên ở trong cộng đồng các dân tộc thì đến nay vẫn còn là một bài toán khó. Ðơn cử như Tết Hoa Mào Gà của dân tộc Cống hay Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông nếu không được chính quyền đứng ra tổ chức hoặc hỗ trợ kinh phí thì người dân cũng không tự tổ chức. Nếu có tổ chức thì cũng chỉ diễn ra ở một số gia đình hoặc một nhóm nhỏ mang tính tượng trưng và không đầy đủ các nghi thức mang tính bản sắc như vốn có của di sản… Bên cạnh đó là nhiều di sản, di tích sau khi được công nhận vẫn “nằm im” không phát huy được giá trị như Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông chỉ được duy trì ở một số nghệ nhân và một số gia đình vào một thời điểm nhất định để phục vụ nhu cầu của chính họ. Hay hầu hết các hang động sau khi được phát hiện, công nhận thì rơi vào tình trạng “cửa đóng then cài” vì chưa có kế hoạch để khai thác và không có kinh phí để quản lý, bảo vệ…

Ở một khía cạnh khác, trong những năm gần đây tại Ðiện Biên xuất hiện hàng chục điểm đến, điểm “check in” thu hút khá đông người dân và du khách đến trải nghiệm. Ðây là mô hình du lịch mới xuất hiện và mang tính tự phát nhưng phù hợp với xu thế của xã hội và đem lại hiệu quả thiết thực có tác dụng kích cầu thị trường du lịch địa phương. Tuy nhiên, có thể thấy những người chủ của các điểm này chủ yếu đầu tư dựa trên những lợi thế có sẵn như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý… nên các điểm khá giống nhau về dịch vụ và sản phẩm. Họ không có sự định hướng và tư vấn đầu tư bài bản từ đầu để phát triển bền vững và định hình thương hiệu. Cùng với đó, một số bản du lịch văn hóa cũng bước đầu thu hút được du khách nhưng chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ ẩm thực. Một số yếu tố văn hóa được lồng ghép trong các buổi liên hoan ẩm thực của du khách như múa sạp, múa xòe… mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của khách tại thời điểm đó chứ chưa tạo được dấu ấn để thu hút du khách mời gọi… Hay một số điểm phát triển du lịch theo mô hình “homestay” nhưng lại không đáp ứng được những vấn đề cơ bản của dịch vụ này, đó chính là du khách được trải nghiệm văn hóa và “cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt” với người dân địa phương. Chính vì vậy chưa tạo được ấn tượng và đáp ứng kỳ vọng của du khách, do đó thời gian lưu trú của khách thường ngắn và mức chi tiêu cho dịch vụ du lịch chưa cao.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong ngành Du lịch thì nhu cầu phổ biến của khách du lịch trong giai đoạn hiện nay chính là tìm kiếm sự chân thực và tính bản địa; trải nghiệm văn hóa, lịch sử; trải nghiệm thiên nhiên và thưởng thức ẩm thực mang tính bản sắc, tự nhiên, không pha trộn. Ðó cũng chính là tiêu chuẩn để một số địa phương xây dựng sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng. Do vậy, xây dựng chuỗi sản phẩm có sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa yếu tố lịch sử, tự nhiên và văn hóa mang đậm bản sắc địa phương là hướng đi để sản phẩm du lịch Ðiện Biên tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Không thể phủ nhận ngành Du lịch Ðiện Biên đã có những bước phát triển quan trọng trong những năm gần đây, điều đó được thể hiện qua lượng du khách đến Ðiện Biên năm sau cao hơn năm trước. Kết quả đó đã tác động tích cực đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những năm gần đây cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, nhiều chương trình, dự án quan trọng đã và đang được triển khai như: Dự án Tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ, hay Dự án Nâng cấp Cảng Hàng không Ðiện Biên… Cùng với đó, tỉnh Ðiện Biên đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch và có nhiều chính sách cụ thể. Tuy nhiên, để giải bài toán “thừa và thiếu” nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững thì tỉnh Ðiện Biên cần có sự đầu tư và phát triển đồng bộ. Các cấp, các ngành và mỗi tổ chức, cá nhân cần nhìn nhận đánh giá một cách đúng mức tầm quan trọng của phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top