Vấn đề tuần này

Giữ nghề gắn với du lịch

08:30 - Thứ Năm, 07/01/2021 Lượt xem: 11410 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có 19 dân tộc sinh sống với nhiều nét văn hóa đặc sắc, đời sống cộng đồng, sinh hoạt, tín ngưỡng đa dạng, phong phú. Ngoài bản sắc văn hóa, mỗi dân tộc có nghề truyền thống khác nhau, một số bản làng có nghề truyền thống riêng như dệt thổ cẩm, mây tre, mỹ nghệ, chế biến nông sản… Bản sắc văn hóa các dân tộc và nghề truyền thống của bà con là tiềm năng to lớn để khai thác và phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch từ nguồn tiềm năng này chưa được chú trọng, nhất là việc phát triển du lịch gắn với các nghề truyền thống.

Theo các điều kiện, tiêu chí về làng nghề, làng nghề truyền thống của Chính phủ thì Ðiện Biên chưa có làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, theo rà soát, tổng hợp của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 31 nghề và làng nghề, gồm: 11 làng nghề sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản; 8 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mây tre đan, bánh khẩu xén và 12 nghề truyền thống. Các làng nghề tập trung chủ yếu ở địa bàn huyện Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Chà, TP. Ðiện Biên Phủ và TX. Mường Lay. UBND tỉnh đã ban hành quy định công nhận, quản lý và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh; làm cơ sở để phát huy ngành nghề truyền thống tại địa phương. Một số làng nghề đã có thời kỳ hoạt động tốt, sản phẩm được giới thiệu, mua bán trao đổi trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập cho người dân. Có thể nhắc đến các sản phẩm của dệt thổ cẩm bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên); thêu thổ cẩm truyền thống bản Tà Là Cáo, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa); mây tre đan bản Nà Tấu, xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên) và gần đây là khẩu xén ở bản Bắc, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay).

Sản phẩm của các làng nghề này đều do chính bà con tự tay làm, mang nét đặc sắc văn hóa mỗi vùng miền. Một số sản phẩm đã tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, có cơ hội quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn; bà con ở các làng nghề nhờ đó cũng có thêm nguồn thu nhập.

Với những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở vùng cao, các làng nghề và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào có sức hấp dẫn không nhỏ với khách du lịch. Nếu biết khai thác, phát huy tiềm năng của các làng nghề sẽ không chỉ giúp phát triển du lịch mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Thế nhưng, du lịch làng nghề chưa được khai thác thì hàng loạt làng nghề trên địa bàn tỉnh đã và đang hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô, thậm chí ngừng hoạt động. Ðơn cử, sản phẩm dệt thổ cẩm của bản Na Sang 2 tồn đọng từ năm 2019 chưa tiêu thụ hết nên người dân sản xuất cầm chừng; sản phẩm thêu thổ cẩm thôn Tà Là Cáo cả năm 2020 không có đơn đặt hàng; mây tre đan Nà Tấu cũng hoạt động lay lắt… Vì sao vậy? Sự khó khăn, hoạt động kém hiệu quả của các làng nghề được lý giải chủ yếu do không tìm được thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các nghề, làng nghề sản xuất mang tính tự phát, quy mô nhỏ, trang thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến sản phẩm làm ra chưa đa dạng, mẫu mã kém phong phú, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường trong khi các sản phẩm công nghiệp lại tràn lan, giá thành rẻ. Sản phẩm các làng nghề chủ yếu là thủ công nên chi phí nguyên liệu, nhân công để làm ra sản phẩm tính ra khá đắt, khó cạnh tranh; việc quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm. Ðiều đó dẫn đến các nghề truyền thống bị mai một, người tiêu dùng sẵn sàng lựa chọn các sản phẩm tiện lợi, hiện đại thay thế. Và vì vậy, nghề truyền thống chưa được khai thác, phát huy để đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con thì đã dần đi vào ngõ cụt. Ðiều này đặt ra vấn đề phải làm gì để gìn giữ và phát triển được các nghề, làng nghề truyền thống?

Phải khẳng định rằng, các nghề, làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch không chỉ qua sản phẩm mà còn hấp dẫn du khách bởi chính quá trình làm ra sản phẩm thủ công truyền thống. Bởi thế, khi tham gia các hội chợ, một số làng nghề dệt thổ cẩm thường trình diễn quá trình dệt vải, xe lanh để du khách tham quan, trải nghiệm. Do đó, phát triển du lịch các làng nghề không chỉ là giới thiệu, quảng bá sản phẩm mà cần khai thác các giá trị văn hóa tích hợp, như sự tích về nghề, quá trình làm nghề, truyền thống dân tộc, địa phương kết tinh vào sản phẩm nghề truyền thống. Gìn giữ và phát triển hiệu quả nghề truyền thống cũng cần mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá đưa sản phẩm đến với các tỉnh, thành khác và cả du khách nước ngoài.

Ðể duy trì và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh ta đã tổ chức điều tra, rà soát thực tế các cơ sở, tổ sản xuất để có kế hoạch bảo tồn, khôi phục và phát triển các làng nghề theo định hướng mỗi xã một sản phẩm. Ðồng thời, từng bước hình thành, hướng tới phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Trên hết, làng nghề muốn phát triển, bà con ở đó phải sống được bằng nghề của họ, có thu nhập ổn định từ sản phẩm làng nghề. Ðiều này cần sự hỗ trợ của chính quyền về vốn đầu tư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng và hơn hết, người dân các làng nghề phải thay đổi tư duy, khả năng sản xuất đa dạng sản phẩm với mẫu mã phù hợp thị hiếu để giữ nghề, sống được với nghề.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top