Kích cầu du lịch nội địa:

Cần xây dựng chiến lược phục hồi chứ không đơn giản là hạ giá

14:53 - Thứ Tư, 07/04/2021 Lượt xem: 6034 In bài viết

Gần như không có khách quốc tế, hơn 1 năm chống chọi với dịch bệnh, ngành du lịch lao đao. Khó khăn nhưng không bi quan, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thay đổi thị trường để thích nghi. Và một trong những giải pháp được xem như “cứu tinh” vào lúc này chính là thị trường nội địa. Song, không phải cứ hạ giá “kịch sàn” là đón được khách và hễ đón được khách là doanh nghiệp sống được.

Không chỉ là giảm giá, để du lịch nội địa phát triển cần cả chất lượng dịch vụ và tour tuyến phù hợp.

Tiếp tục giảm giá, doanh nghiệp du lịch chịu được bao lâu?

Tính cho tới thời điểm này, ngành du lịch đã trải qua vài lần “tận dụng các cơ hội của giai đoạn bình thường mới” để tung ra các chương trình kích cầu du lịch nội địa hấp dẫn cả về giá cả lẫn chất lượng dịch vụ. Song, những người trong cuộc khẳng định, nếu cứ tiếp tục giảm giá “kịch sàn” thì nhiều doanh nghiệp sẽ không thể chịu đựng nổi nữa.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, riêng năm 2020 chúng ta đã trải qua đến 3-4 lần kích cầu, thường thì, khi kích cầu hay nghĩ tới vấn đề giảm giá. Đã từng có thời điểm, giá giảm sâu đến mức không thể tưởng tượng được. “Nếu đãi nhau thì chỉ được một bữa thôi chứ không thể cả tháng được, nên chuyện giảm giá sâu là điều mà thực tế rất vô lý và cái gì cũng phải có giới hạn thôi. Việc các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ giảm giá sâu có thể trừ vào lãi, vào thuế chứ không thể trừ vào giá gốc được. Vì thế, nếu cứ tiếp tục đi theo hướng giảm giá thì không thực tế và khả thi lắm”- ông Vũ Thế Bình cho hay.

Đương nhiên khi khó khăn chuyện chia sẻ là điều tất nhiên, nhưng ở một số nước trong khu vực, ví dụ như Thái Lan, giữa các nhóm dịch vụ có sự hợp tác với nhau. Người kinh doanh khách sạn, người kinh doanh nhà hàng, người kinh doanh các dịch vụ vận chuyển… tất cả những ưu đãi đó cộng lại thì ra một giá vô cùng hợp lý. Việt Nam chưa có được sự bắt tay chặt chẽ đó. Vì thế, giá đôi khi dồn vào một số loại hình du lịch nên cơ bản không thể giảm được nhiều. Ông Vũ Thế Bình cũng chia sẻ thêm, hiện một số doanh nghiệp thực hiện giảm giá. Bản thân Hiệp hội Du lịch không kêu gọi giảm giá mà chỉ kêu gọi: “Đảm bảo giá phù hợp và nâng cao dịch vụ”. So với thời điểm trước đây 1 năm, các hoạt động kích cầu hiện đã đa dạng hơn chứ không còn quá nặng nề về giá.

Có một thực tế, khi dịch bệnh khó khăn thì các doanh nghiệp chủ động giảm giá rất sâu, nhưng khi “dễ thở một chút” thì giá dịch vụ lại tăng lên không có cách nào kìm được. Về việc này ngành du lịch đôi khi bất lực. Bởi lẽ, du lịch không phải đơn vị quản được giá dịch vụ như ngành thuế hay quản lý thị trường. “Chúng tôi chỉ kêu gọi bán đúng giá, nâng cao chất lượng dịch vụ mà thôi”- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch nói.

Chiến lược phục hồi phải đúng bài bản

Ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, cần phải trang bị cho thị trường sự an tâm nhất định, tâm lý du khách thoải mái. Bên cạnh đó, cần xây dựng một chiến lược phục hồi. Chỗ nào thị trường có điều kiện, quy mô, dung lượng thị trường lớn, điểm du lịch từng bị thiệt hại nặng nề về dịch bệnh thì ưu tiên hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật và công nghệ.

Trước khi dịch bệnh diễn ra, ở một số địa phương được coi là ít cơ hội để phát triển du lịch, sau dịch lại được nhiều người biết đến như là “điểm đến an toàn” thì cần tác động, hỗ trợ tích cực và liên kết để có thể phát triển hơn. Bây giờ, không phải là thời điểm ngồi so sánh về số lượng khách năm sau cao hay năm trước cao mà phải quy đổi ra giá trị vật chất. Trước đón 1 triệu khách thu về được 1 triệu đô la thì nay đón 500 khách mà thu về cũng được từng đó tiền thì đương nhiên là thành công lớn rồi. Đó còn là làm như nào để mỗi sản phẩm du lịch đạt được giá trị cao và được khách hàng chấp nhận với sự hài lòng nhất định.

Ông Vũ Thế Bình đưa ra nhận định, thời gian tới, cần phải hoàn thiện rất nhiều yếu tố để du lịch nội địa phát triển bền vững. Hiện tại, ngay cả những người làm du lịch Việt cũng không hiểu được du khách trong nước cần gì, thích gì hay có thể tạo ra cái sản phẩm mới phù hợp cho người Việt hay không?

Xưa nay du lịch nội địa vẫn tự phát. Người Việt Nam đương nhiên thích đi chơi, ăn ngon, thích những gì mới lạ. Song đó chỉ là cảm nhận chứ không phải vấn đề hình thành cơ sở lý luận. Phải hiểu được nhu cầu của người Việt mới sinh ra các sản phẩm du lịch phục vụ người Việt được. Hiện chưa có sản phẩm nào phục vụ riêng cho người Việt mà chỉ là sản phẩm du lịch mà khách quốc tế cũng ưa thích mà khách nội địa cũng vẫn chấp nhận được. Lần này, vấn đề phát triển du lịch cho người Việt phải được nghiên cứu sâu hơn, tạo được ra những sản phẩm tốt nhất cho người Việt.

Vấn đề tiếp theo nữa là cần mở rộng du lịch. Từ trước tới nay, du lịch nội địa vẫn là đi theo phong trào, rủ rê nhau là chính, nay rất cần thay đổi thói quen để người Việt thiết lập kế hoạch hành động từ trước một năm, thậm chí vài tháng. Nếu cần đi nghỉ, lên kế hoạch nghỉ ở đâu, lựa chọn dịch vụ gì. Cần tạo thói quen chuyển đổi tư duy, sở thích trong tương lai….

Du lịch nội địa khi được đặt thành mục tiêu phát triển đi theo nó có nhiều việc phải làm từ chính sách, kế hoạch phát triển, tour tuyến, điểm đến, sở thích, thói quen… chứ không chỉ đơn giản là hạ giá sản phẩm.

P.V (theo ANTĐ)
Bình luận
Back To Top