Người Việt Nam vẫn chuộng du lịch nội địa trong năm 2022

14:49 - Thứ Sáu, 14/01/2022 Lượt xem: 6968 In bài viết

Nghiên cứu của Visa có chủ đề “Tiếng nói của người tiêu dùng châu Á-Thái Bình Dương” cho thấy, người Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng đi du lịch nước ngoài theo mô hình “bong bóng du lịch” khi có đến 76% số người tham gia khảo sát cho hay đang lên kế hoạch du lịch trong nước năm 2022. 

Người Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng với du lịch nước ngoài và chuộng du lịch nội địa trong năm 2022. (Ảnh: CTV)

Nghiên cứu do công ty Green Shoots Radar thực hiện dưới sự ủy quyền của Công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới-Visa vào tháng 6/2021 tại 14 thị trường. Tổng mẫu khảo sát là 8.400 người, bao gồm người Việt Nam từ 18 tuổi ở nhiều trình độ học vấn và mức thu nhập (thay đổi tùy theo từng thị trường).

Kết quả cho thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Riêng đối với ngành du lịch, vấn đề sức khỏe và an toàn được du khách chú trọng và quan tâm hàng đầu khi cân nhắc lựa chọn điểm đến và phương tiện di chuyển. Hiện nay, nhu cầu du lịch của người Việt Nam rất lớn.

Theo đó, có tới 76% du khách Việt Nam tham gia khảo sát đang lên kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm 2022, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 38% số người lập kế hoạch du lịch nước ngoài.

Kế hoạch du lịch phụ thuộc mật thiết vào tình hình dịch bệnh theo 3 yếu tố liên quan. Cụ thể, sự ổn định của tình hình Covid-19 tại điểm đến là yếu tố quan trọng nhất khi được 63% người được khảo sát lựa chọn, theo sau là việc được tiêm vaccine đầy đủ (48%) và số ca mắc bệnh toàn cầu giảm xuống (40%).

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Các địa điểm trong nước sẽ phù hợp hơn với đại đa số người Việt Nam cho kỳ nghỉ cuối tuần và chuyến du lịch ngắn ngày”.

“Gần gấp đôi số du khách Việt Nam lựa chọn du lịch trong nước, đến những nơi có thể đáp ứng các yêu cầu mới trong bối cảnh đại dịch. Doanh nghiệp nên tận dụng xu hướng du lịch nội địa bằng cách bảo đảm sự an toàn và an tâm trong mọi khía cạnh dịch vụ, bao gồm cả hoạt động thanh toán. Đại dịch đã thúc đẩy việc sử dụng hình thức thanh toán điện tử và không tiếp xúc ở hầu hết tất cả các nhóm người tiêu dùng, khiến trải nghiệm thanh toán tiện lợi và an toàn trở thành một kỳ vọng cơ bản”, bà Dung nói thêm.

Bất chấp những những lợi ích to lớn đạt được thông qua việc mở cửa có kiểm soát biên giới và ngành công nghiệp du lịch, “bong bóng du lịch” chỉ thu hút được sự quan tâm vừa phải của người Việt khi hơn một nửa (52%) số người tham gia khảo sát cho rằng họ có quan tâm, tuy nhiên không phải ở thời điểm hiện tại.

Trải qua đại dịch, mọi người ưu tiên lựa chọn khám phá những địa điểm gần nơi mình sinh sống hơn là những địa điểm ở xa, khiến xu hướng du lịch tại chỗ-du lịch ngay tại chính thành phố mình ở, ngày càng lên ngôi.

Có khoảng 1/3 số người được khảo sát cho biết họ sẽ lên kế hoạch, đặt phòng và lựa chọn du lịch tại chỗ (Staycation) khi không còn những quy định hạn chế bắt buộc. 30% số người được hỏi cũng cho biết họ sẽ lựa chọn tham quan những địa điểm du lịch tại địa phương.

Kể từ đại dịch, nhiều du khách Việt Nam đã hủy kế hoạch du lịch và tìm đến các phương thức du lịch thay thế. Do đó, du lịch trực tuyến chứng kiến sự gia tăng đột biến khi ngày càng nhiều người Việt Nam tìm kiếm ảnh và video liên quan đến các điểm đến du lịch để thỏa mãn đam mê dịch chuyển. Hơn một nửa (53%) số người khảo sát đã chọn xem video du lịch trên YouTube và 40% lựa chọn xem các trang du lịch trên mạng xã hội như một giải pháp du lịch thay thế, theo sau là 38% lựa chọn tham gia các tour du lịch trực tuyến.

"Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội phát triển cho những xu hướng mới mẻ và thú vị, từ đó dẫn đến những thay đổi lớn trong ngành du lịch… Các xu hướng này sẽ trở thành tâm điểm của ngành du lịch trong thời gian tới. Thành công hay thất bại của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng với nhu cầu và mong muốn của du khách cũng như năng lực giải quyết các vấn đề phát sinh từ đại dịch”,  Giám đốc Visa Việt Nam và Lào nhận định.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top