Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa Khmer

10:41 - Thứ Năm, 16/11/2023 Lượt xem: 4055 In bài viết

Vùng đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều ngôi chùa Khmer mang kiến trúc độc đáo, rực rỡ sắc màu, đa dạng loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống văn hóa và chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Hiện nay, nhiều ngôi chùa đã và đang tạo điều kiện quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống - xã hội cho bà con, đồng thời tạo nên sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của địa phương.

Điệu múa Apsara do các thiếu nữ Đội Văn hóa văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán biểu diễn.

Ban quản trị nhiều ngôi chùa Khmer ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thành lập đội văn nghệ, nhằm lưu giữ giá trị văn hóa của người Khmer, đồng thời phục vụ người dân địa phương và du khách gần xa đến thưởng lãm. Du khách đến chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), không chỉ bị thu hút trước kiến trúc lộng lẫy của ngôi chùa, mà còn được thưởng thức những điệu múa cổ uyển chuyển do các thiếu nữ Đội Văn hóa văn nghệ Khmer chùa Xiêm Cán biểu diễn. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước các vũ điệu Apsara, Romvong, Sarawan, trống Sadăm mang đậm màu sắc dân tộc Khmer.

Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán bày tỏ: “Chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh. Từ khi có Đội văn nghệ, người dân địa phương và du khách đến chùa ngày càng đông. Đó là tín hiệu đáng mừng, vì nghệ thuật Khmer vẫn còn nguyên sức sống mãnh liệt. Đến đây, bà con có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, theo đó, phong tục tập quán của đồng bào cũng được bảo tồn và phát huy”.

Chị Thạch Thị Tha Ry, Đội trưởng Đội Văn hóa văn nghệ chùa Xiêm Cán cho biết: “Tôi đam mê và gắn bó với nghệ thuật dân tộc từ bé, nên muốn truyền ngọn lửa đam mê ấy cho các bạn trẻ để các em có cơ hội phát huy năng khiếu và kế thừa, gìn giữ nét đẹp cổ truyền. Tôi nguyện đem hết khả năng để giúp du khách cảm nhận được vẻ đẹp trong điệu múa, lời ca của người Khmer. Tôi thấy vui vì đã góp một phần nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình”.

 Du khách khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, trải nghiệm làm cô dâu, chú rể Khmer.

Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong ở khóm 2, phường 5, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) nổi tiếng với tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn uy nghiêm ngoài trời, với kích thước dài 63m, cao 22,5m. Chính vì thế, ngôi chùa còn có tên gọi khác là Chùa Phật Nằm Sóc Trăng. Gần đây, quanh chùa tổ chức các điểm cho thuê trang phục dân tộc truyền thống, thu hút nhiều du khách thuê mặc chụp ảnh lưu niệm, hóa thân thành những chàng trai, cô gái Khmer duyên dáng.

Chị Sa Ry, phụ trách điểm cho thuê trang phục truyền thống dân tộc Khmer ở chùa Bôtum Vong Sa Som Rong cho biết, cửa hàng của chị đã mở được hơn 2 năm, với tâm ý muốn giới thiệu trang phục truyền thống đến du khách gần xa. Nhờ được Sư cả ủng hộ tạo điều kiện, gia đình chị có nơi kinh doanh để cải thiện thu nhập. “Khi mới mở, tôi vừa may vừa cho thuê đồ, còn bây giờ không có thời gian may nữa nên phải nhờ anh em trong gia đình giúp. Vào những ngày cuối tuần hay lễ hội, du khách đến tham quan chùa, chiêm bái tượng Phật nằm và thuê trang phục truyền thống để chụp ảnh rất đông”, chị Sa Ry phấn khởi chia sẻ.

Chị Trần Kim Thúy, du khách đến từ tỉnh Bình Dương bày tỏ: “Đây là ngôi chùa có nghệ thuật kiến trúc đẹp, mang bản sắc văn hóa đặc trưng Khmer Nam Bộ. Nhờ có cửa hàng của chị Sa Ry, tôi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của đồng bào Khmer rất đẹp và độc đáo, chuyến du lịch trải nghiệm của gia đình tôi trở nên trọn vẹn hơn”.

Thời gian qua, các tỉnh có đông đồng bào Khmer đã kết hợp du lịch với văn hóa cổ truyền để khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn mang tính đặc thù. Điều này cũng đã khẳng định, du lịch gắn với phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa cần tiếp tục được nghiên cứu, khai thác và phát huy hết những tiềm năng vốn có, để tạo nên những nét đặc trưng riêng mới lạ cho khách du lịch khi đến miền Tây. 

Theo Báo Văn hóa
Bình luận

Tin khác

Back To Top