Giáo dục toàn diện cho học sinh: Thay đổi nhận thức và hành động

14:40 - Thứ Tư, 22/06/2016 Lượt xem: 3696 In bài viết
Hạn chế, yếu kém của nền giáo dục Việt Nam là chưa tạo ra sản phẩm giáo dục mang tính toàn diện, hội đủ các kỹ năng thiết yếu để trở thành công dân toàn cầu. Vấn đề này đã được các chuyên gia giáo dục mổ xẻ, góp ý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường phổ thông tại hội thảo khoa học quốc gia do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức vào ngày 21-6.

Thiếu linh hoạt, sáng tạo

Vì sao học sinh phổ thông thiếu cơ hội phát huy năng lực sở trường, trải nghiệm sáng tạo… mà chỉ nghiêng về nạp kiến thức? Phát biểu tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), chỉ ra hạn chế: “Chương trình giáo dục vẫn tập trung nhiều vào các môn học trên lớp, nặng kiến thức về lý thuyết, hàn lâm và chưa gắn với việc giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Nhiều trường học còn nặng về quản lý hành chính, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học đa dạng, phong phú. Vì thế, phần đông học sinh thiếu cơ hội trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng hợp tác, làm việc theo nhóm, phát huy tư duy độc lập, tính năng động, sáng tạo…”.

 

Học sinh tham gia sân chơi sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin.

Phát triển con người toàn diện chính là đòi hỏi phát triển năng lực người học ở mọi mặt chứ không nghiêng về một yếu tố nào. Mặc dù chủ trương giáo dục học sinh toàn diện gồm “đức, trí, thể, mỹ và nghề nghiệp” đã được đề cập từ lâu, nhưng  các cấp quản lý giáo dục, trường học và giáo viên vẫn chưa được hiểu đúng, làm đúng. “Vì đặt nặng mục tiêu phát triển trí lực nên nền giáo dục chú trọng đến ứng thí là chính, nhiều trường không chú trọng đến khả năng, sở thích năng khiếu của học sinh. Vì coi trọng thành tích thi cử, nhà trường cũng xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, sức khỏe, thẩm mỹ - những yếu tố rất cần để hình thành nhân cách học sinh. Và hệ quả của giáo dục lệch pha là cho ra lò “công dân đồng phục”, Th.S  Hồ Sĩ Anh phân tích như thế.

Trên cơ sở quan điểm mới về phát triển toàn diện học sinh, đào tạo lớp người lao động mới đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đất nước, hội nhập quốc tế, chuyên gia này đề xuất bảy yếu tố thể hiện sự quân bình, hài hòa là: đức, trí, thể, mỹ, tình cảm, xã hội và nghề nghiệp. Như thế, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp tới cần thay đổi triết lý, mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá.

Giáo viên có năng lực dạy học sáng tạo

Theo TS Đặng Thị Mỹ Phương (Trường Đại học Sư phạm TPHCM), ngoài vấn đề cốt lõi của giáo dục toàn diện, nhà trường phải bổ sung thêm nhiều nội dung khác như giáo dục kỹ năng sống, giới tính… Cùng với nhà trường, xã hội, phụ huynh học sinh là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển toàn diện của con em mình. Như ý kiến đặt vấn đề của đại diện Khoa Sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, học sinh chỉ ở trường có 25%, còn lại 75% ở nhà với gia đình. Vì vậy, phụ huynh không thể phó mặc cho nhà trường mà phải cùng tham gia giáo dục học sinh, tạo điều kiện cho con em mình trải nghiệm thực tế, tham gia hoạt động ngoại khóa, dã ngoại… Họ cũng phải chủ động quản lý thời gian, kiểm soát hành vi, thái độ học tập, định hướng cho con phát huy sở trường, năng khiếu riêng. Có như vậy, học sinh mới phát triển nhân cách toàn diện, hài hòa về thể chất lẫn tâm hồn.

Trước yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục, nhiều ý kiến của các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia giáo dục đã nêu những bất cập, tồn tại trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay. Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, “đào tạo phải gắn với nhu cầu của trường học và đầu ra phải đáp ứng đòi hỏi về nhân cách của giáo viên, đặc biệt là năng lực dạy học”. Vì thế, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, các trường đại học sư phạm phải đổi mới phương thức đào tạo, đầu ra phải dựa vào tiêu chuẩn năng lực thực hiện của giáo viên. Có như thế, họ - yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục - mới đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường phổ thông theo hướng đổi mới.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top