Không để học sinh thiếu sách

09:10 - Thứ Năm, 11/08/2016 Lượt xem: 4006 In bài viết
ĐBP - Năm học 2016 - 2017 là năm thứ 2 quy định miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 74 của Chính phủ hết hiệu lực. Bởi vậy, trước khi bước vào năm học mới, cùng với việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục - Đào tạo quan tâm đảm bảo số lượng sách giáo khoa (SGK), để các em học sinh đủ điều kiện vào năm học mới.

 

Giáo viên Trường THCS Xuân Lao, huyện Mường Ảng kiểm đếm số lượng SGK phục vụ năm học mới.

Theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập vốn có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh nghèo vùng cao. Bởi, mỗi học sinh được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng (tức 630.000 đồng/năm học) để mua sách vở và đồ dùng học tập. Song, từ năm học 2015 - 2016, nghị định này hết hiệu lực. Điều này đã gây khó khăn đối với nhiều bậc phụ huynh khi phải lo thêm một khoản chi phí đáng kể mua SGK cho con em mình. Nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn thì nỗi lo mua SGK cho con đầu năm học là không nhỏ. Nên hộ nào có 2 - 3 con cũng phải chi phí mất một vài triệu đồng vào SGK, đồ dùng học tập. Theo giá thị trường, một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 5 giá từ 106.000 - 208.000 đồng, lớp 6 đến lớp 9 có giá từ 250.000 - 330.000 đồng, lớp 10 đến lớp 12 có giá từ 266.000 - 284.000 đồng.

Để đảm bảo lượng SGK cho năm học mới, giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bớt chi phí mua sách cho con em, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh giải pháp, trong đó, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn tiếp tục quyên góp, ủng hộ SGK cho học sinh. Ông Nguyễn Sỹ Quân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 507 trường với trên 170.000 học sinh ở tất cả các cấp học. Những năm gần đây, các địa phương đã làm tốt công tác quyên góp, chuyển tặng SGK cũ, tài liệu tham khảo, truyện... ngay từ thời điểm kết thúc năm học cũ. Kết quả chương trình đã thu hút được lượng lớn SGK, nhất là khu vực trung tâm thành phố Điện Biên Phủ để luân chuyển về các huyện giúp học sinh vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn có đủ sách khi đến trường. Số lượng các đầu sách này được ưu tiên hỗ trợ cho các vùng khó khăn như huyện: Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ... Đơn vị trường ở trung tâm hỗ trợ trường vùng sâu, vùng xa; vùng thấp, hỗ trợ vùng cao. Vừa qua, Sở đã đề nghị Trường THPT Chuyên Lê Qúy Đôn và Trường THPT TP. Điện Biên Phủ (TP. Điện Biên Phủ) vận động mỗi cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đóng góp tối thiểu 1 cuốn sách đã qua sử dụng, còn giá trị. Đến nay, Sở đã bàn giao hơn 2.600 đầu sách với giá trị theo bìa trên 43 triệu đồng cho Trường THPT Nà Tấu (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên) để phục vụ nhu cầu học tập. Ngoài ra, Sở còn chủ trương khuyến khích các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh có kết nghĩa với nhau cũng thường xuyên trao đổi, quyên góp SGK cho học sinh nghèo. Điển hình là giáo viên, học sinh Trường THPT Trần Can (huyện Điện Biên Đông) và Trường THPT TP. Điện Biên Phủ (TP. Điện Biên Phủ)  đã thường xuyên trao đổi, ủng hộ SGK cho các đối tượng là con em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi... Việc làm này đã được phụ huynh và các em học sinh đồng tình ủng hộ cao, góp phần san sẻ bớt gánh nặng, áp lực chuẩn bị sách giáo khoa vào đầu năm học của những học sinh hoàn cảnh khó khăn.

Do vậy, năm học 2016 - 2017, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã vận động phụ huynh, học sinh quyên góp được hàng trăm vở viết, SGK, đồ dùng học tập để phân loại, đóng thành từng bộ cho học sinh nghèo mượn. Hết năm học, số lượng sách này sẽ được tập trung, bảo quản phục vụ cho những năm học tiếp theo. Đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phòng Giáo dục - Đào tạo cũng chỉ đạo các trường học huy động SGK trong thư viện cho các em mượn sử dụng. Đồng thời, trích từ nguồn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của các đơn vị, cá nhân trên địa bàn nhằm thường xuyên thay thế, bổ sung đối với các đầu sách đã cũ nát.

Trường THCS Xuân Lao (xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng) - nơi có tỷ lệ học sinh là con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo khá cao. Chị Lò Thị Chiêm, có con đang học tại Trường THCS Xuân Lao, cho biết: Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, lại đông nhân khẩu nên việc mua sách giáo khoa cho con là nỗi lo khi bước vào năm học mới. Trước đây, con tôi được hỗ trợ hơn 600.000 đồng/năm học để mua sách vở và đồ dùng học tập nhưng từ năm trước không còn chính sách hỗ trợ nên vào hè tôi lại phải đi làm thêm để có tiền lo chi phí sách vở đầu năm học cho các cháu. Tuy nhiên, khi biết nhà trường có chủ trương quyên góp, ủng hộ SGK cũ cho học sinh, tôi rất mừng. Thầy giáo Lê Đình Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Lao, cho biết: Năm học 2016 - 2017, Trường THCS Xuân Lao có 360 học sinh ở 11 lớp. Thực tế cho thấy hầu hết các em đều không có sách đi học nên việc hướng dẫn cho các em học tập rất khó, nhiều học sinh phải học chung một quyển sách, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Theo quy định, học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ nghèo, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế với mức 100 nghìn đồng/tháng/học sinh và không quá 9 tháng/năm học để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Còn con em thuộc hộ cận nghèo, không được hỗ trợ thì ngay từ cuối năm học trước, nhà trường đã thường xuyên vận động phụ huynh và học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ cho học sinh năm sau. Năm học mới đang đến gần, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất song ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm không để học sinh thiếu SGK, đặc biệt với học sinh ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top