Tôn vinh lòng hiếu học

09:33 - Thứ Năm, 29/09/2016 Lượt xem: 3608 In bài viết
ĐBP - Bao năm qua, khuyến học, khuyến tài là hành trình đầy ý nghĩa mà Hội Khuyến học các cấp song hành động viên, kịp thời khích lệ, hỗ trợ hàng nghìn học sinh hiếu học vượt khó. Cũng từ đó, nhiều dòng họ, gia đình hiếu học được duy trì, nhiều tấm gương hiếu học được tôn vinh, góp phần xây dựng xã hội học tập vì một tương lai tươi sáng hơn.

Nhìn lại hành trình đã qua với việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, khơi dậy truyền thống hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng, ông Trần Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, chia sẻ: Những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã nỗ lực xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài gắn với Cuộc vận động Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học và đạt nhiều kết quả khích lệ. Nhiều mô hình khuyến học được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thông qua đó, động viên, giúp đỡ cho hàng nghìn con em có hoàn cảnh khó vươn lên trong học tập.

 

Thông qua Quỹ Khuyến học Việt Nam - Báo Dân trí, ông Trần Trọng Quyết, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh huyện Mường Ảng.

Phong trào khuyến học lan tỏa rộng khắp, đến nay, Hội Khuyến học tỉnh đã có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh với 10/10 huyện, thị, thành phố có hội khuyến học cấp huyện; 130/130 xã thành lập hội khuyến học cơ sở; 100% trường học có chi hội khuyến học, 83% thôn, bản, tổ dân phố thành lập chi hội khuyến học; 89% công đoàn cơ sở trong tỉnh thành lập ban khuyến học, thu hút 141.238 hội viên chiếm tỷ lệ 26% so với tổng số dân trong toàn tỉnh. Trong đó, một số huyện có dân số tham gia hoạt động khuyến học đạt tỷ lệ cao, như: TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Tuần Giáo…

Đối với nhiều đơn vị khuyến học, việc gây quỹ Hội là việc làm không dễ, bởi thường gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động. Nhận định được tầm quan trọng của công tác này, cán bộ làm công tác khuyến học đã linh hoạt áp dụng nhiều cách làm khác nhau, vận động toàn xã hội tham gia xây dựng quỹ bằng nhiều hình thức, như: Vận động tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp; tinh thần tự nguyện đóng góp của cán bộ công nhân viên chức... Từ việc đa dạng hóa hình thức vận động quỹ, 15 năm qua, Hội khuyến học các cấp đã vận động được 60 tỷ đồng, quan tâm chỉ đạo xây dựng quỹ khuyến học gia đình với số dư hơn 66 tỷ. Hoạt động xã hội hóa giáo dục, liên kết, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đầu tư xây dựng trường học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà bán trú cho học sinh được đẩy mạnh với số tiền hơn 130 tỷ đồng.

Là tỉnh miền núi, ở vùng sâu, vùng xa, có những gia đình cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng có những gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học tích cực động viên con em mình vượt núi, băng rừng đi học chuyên cần. Có những dòng họ người dân tộc thiểu số dù khó khăn vẫn quyết tâm “nói không” với thất học. Em Vàng Thị Dợ, dân tộc Mông ở xã Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông) sinh ra trong gia đình nghèo thuần nông, đông nhân khẩu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhưng Dợ vẫn luôn quyết tâm học tập. Nhiều năm là lớp trưởng, em luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường. Em tâm sự: Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình vẫn luôn động viên em cố gắng học tập. Em được nhiều tấm lòng nhân ái, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, hỗ trợ em và gia đình vượt qua khó khăn.

Nhiều dòng họ cũng duy trì tốt phong trào hiếu học như dòng họ Tao ở khu vực Ba Chà (Chà Cang, Chà Nưa, Chà Tở, huyện Nậm Pồ) với 132 hộ, hơn 600 nhân khẩu sinh sống ở 8 bản. Dù điều kiện đi lại rất khó khăn nhưng nhiều năm nay, dòng họ này không để con cháu nào thất học, bỏ học giữa chừng. Mỗi năm, dòng họ Tao thường tổ chức họp họ vào dịp đầu năm học mới, các bản báo cáo số liệu về con cháu đến tuổi đi học ở các cấp, từ đó trưởng họ giao nhiệm vụ cụ thể cho tổ trưởng dòng họ của các bản phụ trách vận động các gia đình trong dòng họ có con, cháu đến tuổi đi học đến trường lớp học. Vì vậy, hàng năm 100% các cháu đúng độ tuổi ở các cấp học đều được ra lớp.

Cuộc vận động xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học được các gia đình hưởng ứng tích cực, đặc biệt là các gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận thức đúng đắn về sự học. Họ đã khắc phục mọi khó khăn, lo cho con em được đến trường học tập. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn nuôi con học hành thành đạt.

Nỗ lực của những người làm công tác khuyến học, sự vào cuộc, ủng hộ tích cực của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, công tác khuyến học, khuyến tài của tỉnh đã và đang trở thành phong trào thi đua rộng khắp từ gia đình, dòng họ, thôn, bản đến các cơ quan, doanh nghiệp, trường học… Qua đó, góp phần tạo cơ hội và điều kiện cho người dân trong việc học tập, hướng tới xây dựng một xã hội học tập.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top