Trường THPT Lương Thế Vinh:

Chú trọng phát triển kỹ năng “mềm” cho học sinh

16:40 - Thứ Ba, 21/03/2017 Lượt xem: 9401 In bài viết
ĐBP - Trước thực trạng nền giáo dục còn nặng về lý thuyết, ít chú ý đến thực hành thì việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm… cho học sinh ở các trường, các cấp học là điều hết sức cần thiết và quan trọng. Đó là những kỹ năng “mềm” giúp các em hình thành tính tự lập, tạo sự tự tin, trưởng thành trong học tập, cũng như trong cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện, giáo dục kỹ năng “mềm” cho học sinh, nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Trường THPT Lương Thế Vinh (TP. Điện Biên Phủ) đã tổ chức “Hội thi làm, cắm hoa từ vật liệu tái chế và tỉa quả nghệ thuật”. Hoạt động này góp phần rèn luyện kỹ năng nữ công gia chánh và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Trong không khí vui tươi, đoàn kết, các em học sinh hào hứng với công việc tạo hình củ, quả và vật liệu tái chế, làm ra những tác phẩm đẹp mắt và ý nghĩa. Dù bận rộn tạo hình lọ hoa từ những vật liệu tái chế nhưng em Trần Hà Châu, lớp 10S, Trường THPT Lương Thế Vinh vẫn hào hứng bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia một hội thi ý nghĩa và bổ ích như thế này. Hội thi đã tạo ra một đợt sinh hoạt hào hứng, sôi nổi và là dịp để các lớp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tăng thêm tình đoàn kết. Thông qua hội thi này, các bạn có dịp thể hiện tài năng; rèn luyện kỹ năng mềm về nữ công gia chánh, thỏa sức sáng tạo và có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh. Em mong muốn rằng, trong thời gian tới nhà trường tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, các buổi lao động, tập văn nghệ, hội thi như vậy để em và các bạn có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống cần thiết đáp ứng cho việc học tập và cuộc sống”.

 

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh tiến hành tỉa quả nghệ thuật.

Giống như em Trần Hà Châu, đây cũng là lần đầu tiên em Phạm Tố Uyên, lớp 6O, Trường THPT Lương Thế Vinh tham gia hội thi. Em Uyên chia sẻ: “Từ khi nhà trường phát động cuộc thi này, em và các bạn cảm thấy rất hào hứng. Để chuẩn bị cho cuộc thi, chúng em phải rèn luyện kỹ năng tỉa củ, quả và tìm hiểu nhiều hình mẫu, cách làm lọ hoa từ vật liệu tái chế cách đây gần 2 tháng; làm sao để tạo ra sản phẩm thật ý nghĩa và đẹp mắt. Từ những vật liệu bỏ đi, như: ống mút, chai, lọ… em và các bạn sẽ sáng tạo một lọ hoa với chủ đề “Đoàn kết”. Bên cạnh đó, đội của em còn gửi tới hội thi tác phẩm cắt tỉa củ, quả về chủ đề “Động vật”. Thông qua 2 tác phẩm này, chúng em muốn gửi tới Ban tổ chức và mọi người thông điệp “Hãy chung tay bảo vệ động vật và môi trường sống”. Em nhận thấy hoạt động này thật ý nghĩa, giáo dục cho chúng em cần biết quý trọng cuộc sống này và rèn luyện nhiều kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu công việc, giao tiếp…

Là người tham gia tổ chức hội thi này, thầy giáo Trương Hữu Nghị, Bí thư Đoàn Trường THPT Lương Thế Vinh, khẳng định: Hiện nay, nhiều trường học giáo dục học sinh nghiêng về giáo dục lý thuyết, vì vậy việc rèn luyện cho các em kỹ năng “mềm” càng trở lên quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng “mềm” cho học sinh, bên cạnh việc đào tạo kiến thức, nhà trường còn chú trọng hướng học sinh đến phương pháp “học trải nghiệm, sáng tạo” và để học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa… Đơn cử như hội thi làm, cắm hoa từ vật liệu tái chế và tỉa quả nghệ thuật chào mừng ngày 8/3, Ban Giám hiệu nhà trường đã phát động tất cả các khối lớp, học sinh cùng tham gia. Hoạt động này nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo, tính tự lập và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh; hướng các em trở thành một con người hoàn thiện về mọi mặt, có ích cho xã hội. Sau khi tác phẩm của các đội thi hoàn thành, Ban tổ chức còn yêu cầu đại diện cho các đội thi thuyết trình về tác phẩm của đội mình. Qua đó, hình thành cho học sinh sự tự tin khi thuyết trình trước đông người. Không chỉ rèn luyện kỹ năng “mềm” cho các em trong cuộc thi này, trong quá trình học tập nhà trường cũng chú trọng lồng ghép vào các môn học chính khóa, qua các buổi lao động, sinh hoạt ngoại khóa... Thông qua các môn học chính khóa để giáo dục về tinh thần yêu nước, lạc quan, niềm tin, tình yêu thương; còn các buổi lao động tập thể để các em  thêm quý trọng sức lao động. Việc lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng “mềm” trong các giờ học chính khóa còn tạo cơ hội cho học sinh bày tỏ quan điểm trước tập thể, đặc biệt có ích với các em rụt rè, ngại giao tiếp. Bên cạnh đó, giáo viên cũng quan tâm, tạo điều kiện để học sinh tự thuyết trình, trình bày quan điểm trước đám đông nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp của các em.

Có thể nói, việc rèn luyện kỹ năng “mềm” cho học sinh trong nhà trường là vô cùng cần thiết; vai trò của thầy, cô không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ, mà còn rèn người, rèn cho học sinh trở thành người có ích cho xã hội.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top