Xã hội hóa phát triển hạ tầng giáo dục ở Điện Biên Đông

08:51 - Thứ Hai, 18/09/2017 Lượt xem: 6250 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông đã triển khai nhiều giải pháp, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời triển khai mạnh mẽ công tác xã hội hoá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, tạo động lực thúc đẩy hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông cho biết: Chuẩn bị cho năm học 2017 - 2018, ngay từ đầu năm 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo Điện Biên Đông đã triển khai kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất các trường học, đảm bảo đạt yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Toàn huyện hiện có 778 phòng học, gồm: 380 phòng học kiên cố, 230 phòng bán kiên cố, 168 phòng tạm (phòng đạt tiêu chuẩn “3 cứng”). Trong đó, cấp học mầm non có 223 phòng học, tiểu học có 426 phòng, trung học cơ sở 129 phòng; trên địa bàn huyện không có phòng học làm bằng tre, nứa, lá; 57/57 trường có công trình hợp vệ sinh. Hiện nay, toàn ngành Giáo dục huyện có 370 phòng công vụ giáo viên, 152 phòng nội trú học sinh. Trong hè, các nhà trường đã huy động nhân lực tu sửa các phòng học “3 cứng” đảm bảo yêu cầu tổ chức các hoạt động giảng dạy, học tập.

 

Phòng ở nội trú “3 cứng” của học sinh thị trấn Điện Biên Đông bị thiệt hại do mưa lũ.

Mặc dù không còn phòng học, nhà ở bán trú, phòng công vụ giáo viên làm bằng tre, nứa, lá nhưng số lượng phòng tạm trên địa bàn huyện còn chiếm tỷ lệ cao. Từng bước khắc phục khó khăn này, thời gian qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã tích cực vận động, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục về: ngày công lao động, vật liệu cát, sỏi đá... Năm 2017, toàn huyện đã xây mới được 14 phòng học từ phong trào xã hội hóa.

Trường Tiểu học Mường Luân là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác xã hội hóa giáo dục của huyện Điện Biên Đông. Thầy giáo Đinh Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Khoảng 2 năm trước, Trường Tiểu học Mường Luân vẫn là một trong những trường đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất của huyện Điện Biên Đông. Trong suốt 16 năm, nhà trường phải sử dụng chung các phòng học, nhà công vụ... với Trường THPT Mường Luân; hệ thống cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình dạy và học cũng như sự an toàn của thầy, trò nhà trường. Thực hiện phong trào xã hội hóa giáo dục, từ năm 2013, Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động và được gia đình ông Lò Văn Phúi, bản Mường Luân 1, xã Mường Luân hiến tặng 3.600m2 đất (không đền bù) làm nền móng để xây dựng điểm trường chính. Tháng 10/2016, sau 2 tháng huy động cán bộ, viên chức và nhân dân trên địa bàn đóng góp ngày công, nhà trường đã xây dựng được 6 phòng học, 5 phòng làm việc, từ đó, Trường Tiểu học Mường Luân chính thức “ra ở riêng”. Đến tháng 4/2017, cũng từ nguồn xã hội hóa, Trường Tiểu học Mường Luân cùng nhân dân trên địa bàn hoàn thành điểm trường Nà Sản với 2 phòng học kiên cố và sân bê tông rộng 300m2 đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi của học sinh điểm bản. Gần đây nhất, ngày 24/7, cũng trên tinh thần đồng lòng ủng hộ cho phát triển giáo dục địa phương, gia đình ông Lò Văn Tiệp, bản Mường Luân 1, xã Mường Luân tự nguyện hiến 1.500m2 đất để mở rộng khuôn viên, hướng tới xây dựng Trường Tiểu học Mường Luân trở thành trường chuẩn quốc gia trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top