Phụ huynh lo lắng là không… thừa!

09:26 - Thứ Năm, 21/09/2017 Lượt xem: 4497 In bài viết
ĐBP - Năm nào cũng vậy, cứ đến năm học mới là điệp khúc “đóng góp” lại “rền vang” cùng với những lời ta thán của không ít bậc phụ huynh. Tại TP. Ðiện Biên Phủ, hiện chưa thấy tình trạng lạm thu đầu năm học, tuy nhiên khá nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng về vấn đề này…

Vẫn là tâm lý chung

Năm học mới, học sinh có sách vở mới, quần mới áo, bạn mới… nhiều thứ mới nhưng chỉ tâm lý lo lắng của phụ huynh về hàng loạt những khoản đóng góp thì vẫn cũ. Bởi đầu mỗi năm học luôn là thời điểm “nóng” của các bậc phụ huynh với hàng loạt các khoản chi tiêu đóng góp cho con. Ngoài các khoản bắt buộc phải chi thì hàng loạt các khoản thu tự nguyện cũng phải… nộp. Với nhiều gia đình khá giả thì chẳng sao nhưng với những hộ có thu nhập trung bình hoặc thấp thì đây thực sự là những khoản chi không hề dễ chịu. Gia đình chị Lê Loan H. phường Mường Thanh có 3 người con. Cậu trai cả năm nay vừa tốt nghiệp và đang học tại Trường Ðại học Tây Bắc. Cô con gái thứ hai thì học trung học cơ sở và bé út học cấp tiểu học. Vì đông con nên hễ cứ đến đầu năm học thì gia đình lại lo lắng với những khoản đóng góp. Chị H. chia sẻ: Như vài năm học trước, những khoản thu - nộp đều được nhà trường công khai, minh bạch đến phụ huynh. Ngoài các khoản bắt buộc, gồm: Học phí; trông giữ xe đạp, xe máy; bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên thì các khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha, mẹ học sinh, như: Mua sắm vật dụng phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt; thực hiện một số nhiệm vụ thay cha, mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh (nấu ăn, chăm sóc bán trú, nước uống, vệ sinh…) đều được thống nhất và có sự đồng thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Tuy nhiên, năm học 2017 - 2018, chúng tôi vẫn chưa thấy có thông báo về các khoản thu đầu năm của nhà trường nên cũng đang lo. Lo bởi sau mỗi năm học nhà trường lại thêm khoản này, khoản kia phát sinh Nếu đóng nhiều quá thì tài chính gia đình khó khăn.

 

Học sinh Trường Mầm non Hoa Sen, TP. Ðiện Biên Phủ biểu diễn văn nghệ chào mừng năm học mới.

Theo tìm hiểu, hiện nay, hầu hết các trường học từ bậc mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ đều chưa hoàn thành việc lập danh sách các khoản thu đầu năm học. Bà Ðinh Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam, cho biết: Năm học 2017 - 2018, trường có gần 1.000 học sinh và là một trong những trường đông học sinh nhất trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Trường đang lập danh sách các khoản thu trong năm học và dự kiến sẽ thu vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Tuy nhiên, danh sách các khoản thu của nhà trường đều thực hiện theo đúng quy định của cấp trên. Với các khoản thu phi lợi nhuận (các khoản đóng góp tự nguyện phục vụ cho học sinh), nhà trường thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận và được sự nhất trí của phụ huynh học sinh trên tinh thần thu đủ chi.

Siết chặt quản lý thu

Hiện nay, trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ thuộc Phòng giáo dục và đào tạo quản lý có 16 trường mầm non, 9 trường tiểu học và 8 trường trung học cơ sở. Hầu hết, ở cấp mầm non và tiểu học đều tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Chính vì thế, ngoài các khoản thu tự nguyện theo thỏa thuận giữa các cơ sở giáo dục và phụ huynh thì ở hai cấp này học sinh sẽ phải đóng tiền cao hơn. Tuy nhiên, việc thu chi của nhà trường sẽ được giám sát và kiểm soát chặt chẽ. Nói về vấn đề thu tiền đầu năm học, ông Ðào Hoài Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo TP. Ðiện Biên Phủ, cho rằng: Việc lo lắng của các bậc phụ huynh học sinh là không thừa. Bởi thời gian qua ở một số tỉnh, thành khá “nóng” tình trạng lạm thu đầu năm với số tiền lên đến mười mấy triệu đồng. Ðể tránh tình trạng này, năm học 2017 - 2018, Phòng đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc cam kết thực hiện đúng quy định giá dịch vụ giáo dục. Các trường thực hiện giãn thời gian thu, không thu cùng thời điểm mà thu theo định kỳ hàng tháng; nếu học sinh tự nguyện có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc năm học. Ðặc biệt, với các khoản huy động, đóng góp của nhân dân phải thực hiện theo đúng quy trình. Trước hết là dự kiến các khoản đóng góp thỏa thuận, xã hội hóa theo nhu cầu thực tế và được sự đồng thuận của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương xin chủ trương, sau đó trình Phòng thẩm định, phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện. Ông Ðào Hoài Nam khẳng định: Phòng sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc. Kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm và có dấu hiệu vi phạm tạo dư luận xấu cho ngành, nhất là tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Không để xảy ra tình trạng lạm thu, đầu tháng 8 vừa qua, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành Văn bản số 1697/SGDÐT-KHTC hướng dẫn thu giá, phí dịch vụ và các khoản huy động, đóng góp của nhân dân trong các cơ sở giáo dục năm học 2017 - 2018. Theo đó, các khoản thu dịch vụ công theo quy định của UBND tỉnh. Ðối với các khoản đóng góp thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh (phi lợi nhuận), thực hiện một số nhiệm vụ thay cha, mẹ học sinh trong công tác nuôi, dạy học sinh, thì nội dung thỏa thuận phải được cụ thể hóa bằng văn bản và có chữ ký đồng thuận của cha mẹ học sinh; thỏa thuận với cha mẹ học sinh thu theo đợt phù hợp với nội dung từng khoản chi, không thu dồn vào đầu năm học…

Bài, ảnh: Văn Quyết
Bình luận
Back To Top