Vinh quang nghề “gieo” chữ vùng cao!

09:08 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 6237 In bài viết
ĐBP - “Vẫn là những tập sách vở, đồ dùng trang trí học tập, đôi cặp ba lô cùng cân cá khô, vài củ quả, rau xanh…” - đó là hành trang đã gắn liền với biết bao “tuổi thanh xuân” của những thầy, cô giáo quanh năm ở lại bám trường, bám lớp trên những điểm trường cheo leo miền biên viễn Nậm Pồ. Nghề “gieo” chữ vùng cao với họ là vậy, nhọc nhằn, gian khó, nhưng rất đỗi vinh quang! Họ sẵn sàng hy sinh tất cả để “thắp sáng” những ước mơ cho trẻ em vùng cao, nơi quanh năm mây mù bao phủ.

 

Tiết học của cô và trò Trường Mầm non Nà Hỳ, xã Nà Hỳ.

Như lời hẹn với thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nà Bủng, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ), khi cơn mưa rừng vẫn còn vương trên những tán lá, chúng tôi quyết định mượn anh bạn ở Nậm Pồ chiếc xe “Wave RS” để lên với những người đã vượt qua khó khăn để ở lại cắm bản, gieo cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến con em đồng bào nơi đây. Nằm cách trung tâm huyện lỵ chưa đầy 40km, nhưng chúng tôi phải đi mất gần 2 giờ đồng hồ, vượt qua con đường “khổ ải” với nhiều ổ trâu, ổ gà, những con dốc khúc khuỷu nối giữa những triền núi phủ mây mờ trắng xóa. Thầy Vũ Ngọc Khan, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng, cười và bảo: “Ðấy là các bạn đi chưa quen đó thôi! Chứ giáo viên trường này ngày nào cũng phải vượt quãng đường còn vất vả hơn gấp nhiều lần để đến với những thôn bản vùng cao, nằm vắt vẻo lưng chừng núi để đem “con chữ” đến với con em đồng bào các dân tộc thiểu số”. Thầy Khan, chia sẻ: Dù gặp rất nhiều khó khăn, vất vả từ những con đường “hành quân”, cơ sở vật chất, bất đồng về ngôn ngữ, nhưng đội ngũ thầy cô giáo nơi đây vẫn “đứng vững” nơi rừng sâu, núi thẳm với ước mơ cháy bỏng là làm sao để trẻ em nơi đây không bị “đói” con chữ. Hiện thực hóa bằng quyết tâm của tập thể sư phạm nhà trường, năm học 2016 - 2017 tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi ra lớp đạt 101% (139/138 học sinh). Ðội ngũ giáo viên chủ yếu ở độ tuổi mười tám đôi mươi, nhưng với sự tâm huyết, gắn bó với vùng cao, các thầy cô giáo nỗ lực rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ, đạo đức lối sống, xứng đáng là tấm gương sáng để học sinh học tập và noi theo.

Cô giáo Chu Thị Phương, Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng, bộc bạch: “Nhiều khi nhớ nhà, tôi chỉ biết vùi đầu trong chăn mà khóc. Nhưng rồi tình cảm mộc mạc chân thành của người dân nơi đây đã giúp tôi có thêm nghị lực để bước tiếp”. Tôi hiểu rằng, với những giáo viên vùng cao ngoài trách nhiệm, lòng yêu nghề thì sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn, vất vả của bà con vùng cao chính là động lực giúp họ, những người giáo viên vẫn ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Nhớ lại những ngày đầu dựng xây “nền móng” của nền giáo dục Nậm Pồ, thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, chia sẻ: Khó có thể nói hết được những vất vả về ngành giáo dục Nậm Pồ những ngày đầu thành lập, tất cả gần như là con số không. Hệ thống cơ sở vật chất tạm bợ, nhiều lớp học được dựng bằng tranh, tre, nứa dẫn tới tỷ lệ huy động học sinh ra lớp vẫn còn rất khiêm tốn. Qua rồi một thời gian khó. Ðể có được những “trái ngọt” như hôm nay, đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, giáo viên - những viên “gạch” hồng sưởi ấm cho tâm hồn trẻ thơ vùng cao. Bằng tâm huyết, trách nhiệm với con em các dân tộc thiểu số, họ đã đồng lòng, góp sức cùng với chính quyền địa phương xây dựng nhiều ngôi trường khang trang, vững chãi để học sinh có thể yên tâm học tập. “Học cũng ăn ngô ăn sắn, không học cũng ăn ngô ăn sắn thì thà ở nhà lên nương kiếm cái ăn cho no cái bụng còn hơn” - Ðó là những ý nghĩ đã ăn sâu bao đời nay của người dân tộc thiểu số. Vì thế, mỗi thầy cô giáo vùng cao Nậm Pồ đã không quản ngại gian khó, lặn lội đến tận nhà tìm gặp phụ huynh để vận động các em ra lớp. Quyết không để các em trong độ tuổi đến trường phải thất học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn.

“Gieo” chữ đã khó, nhưng để có được 834 phòng học (384 phòng học kiên cố, 53 phòng bán kiên cố…), 100% số trường học có sân chơi bê tông hóa là cả sự nỗ lực của ngành giáo dục Nậm Pồ và các trường trên địa bàn. Thành quả đó có được là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy, cô giáo, vượt qua những con dốc dựng đứng, quãng đường trơn trượt, không kể nắng mưa vẫn gồng mình gánh cát, gánh đá từ những dòng suối, gạt những giọt mồ hôi để xây trường, sân chơi, tạo môi trường lành mạnh để học sinh học tập, vui chơi khi đến lớp. Không chỉ là những “hạt nhân” ươm mầm con chữ cho bản làng vùng cao mà hơn 1.640 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Nậm Pồ vẫn được bà con gọi với cái tên trìu mến “chiến sĩ văn hóa”… không những đem cái chữ đến vùng cao, mà họ còn là “cầu nối” đưa chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đến gần hơn với bà con.

Chia tay Nậm Pồ trong những ngày cận kề ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trở về phố thị nhưng lắng đọng mãi trong tôi vẫn là hình ảnh những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận giáo dục, gánh vác trên vai nhiệm vụ nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang - nhiệm vụ “trồng người” vùng gian khó Nậm Pồ.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top