Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2017) và 87 năm ngày truyền thống mặt trận tổ quốc việt nam (18/11/1930 - 18/11/2017)

Ấm lòng những sẻ chia

09:19 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 4496 In bài viết
ĐBP - Những ngày này, cùng với giáo chức trong nước cũng như trong tỉnh, hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động (CBGVNV) phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) huyện Tuần Giáo đang phấn khởi chuẩn bị cho lễ Kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, vào thời điểm học kỳ I năm học 2017-2018 sắp kết thúc...

Dịp này dù rất bận song bà Lê Thị Hồng, Trưởng Phòng GD-ÐT huyện Tuần Giáo - vẫn dành cho chúng tôi gần một giờ làm việc. Câu chuyện giữa chúng tôi không gì khác ngoài những việc mà ngành GD-ÐT huyện đã làm được trong mấy năm học qua. Song thay vì những con số thống kê khô khan về trường lớp, về học sinh, về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên... điều mà cô giáo Lê Thị Hồng muốn chia vui với bạn đọc, đó là kết quả công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) của ngành GD-ÐT huyện trong mấy niên khóa gần đây.

 

Tiết thể dục giữa giờ của học sinh Trường PTDTBT Trung học cơ sở xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Tuấn Anh

Theo bà Lê Thị Hồng, so với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thì Tuần Giáo không phải là đơn vị khó khăn nhất về các điều kiện dân sinh. Tuy nhiên, tại thời điểm này, căn cứ Quyết định 1049/QÐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, thì 18/19 xã trong huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo 66,22% theo chuẩn nghèo mới. Nói như vậy để thấy rằng GD-ÐT Tuần Giáo hoạt động trong một môi trường rất hạn chế trong việc kêu gọi xã hội đóng góp kinh phí, cùng với ngành để đảm bảo các điều kiện cho việc dạy và học tốt nhất có thể. Mặt khác, địa bàn huyện quá rộng, nhiều trường xa trung tâm huyện, nhiều điểm lớp xa trung tâm xã, trong khi giao thông không thuận tiện, địa hình hiểm trở, nhiều sông suối chưa có cầu qua nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì sĩ số học sinh trong mùa mưa lũ.

Ðể từng bước làm thay đổi tình hình, mấy năm qua tập thể cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo Phòng GD-ÐT huyện có nhiều giải pháp tùy vào tình hình và tùy từng thời điểm, để phát huy cao nhất hiệu quả công tác XHHGD trên địa bàn huyện. Trước hết, về mặt quan điểm, xác định XHHGD là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh các cấp học và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Với cơ quan cấp Phòng, kịp thời triển khai, cụ thể hóa nội dung văn bản chỉ đạo của các cấp; tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện XHHGD và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài không chỉ trong một mà nhiều năm học.

Với hệ thống những trường trực thuộc, Phòng chỉ đạo ban giám hiệu các trường ngay từ đầu năm học chú trọng xây dựng kế hoạch XHHGD và triển khai tới 100% các bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV); nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn đội ngũ, động viên CBGVNV phát huy tinh thần trách nhiệm, cán bộ quản lý đi đầu và gương mẫu. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần để cải tạo, mua sắm các đồ dùng, thiết bị, san gạt mặt bằng, mở rộng quỹ đất, sửa chữa các hạng mục nhỏ...

Mặc dù gặp không ít khó khăn song dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội, trong những năm qua ngành GD-ÐT Tuần Giáo đã gặt hái những kết quả khả quan trong công tác XHHGD. Thống kê cho thấy chỉ riêng năm học 2016-2017, có 12 trường ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) được đầu tư từ nguồn XHHGD. Cụ thể, làm mới 56 phòng học, làm mới 19 phòng nội trú, 12 phòng công vụ, 15 công trình vệ sinh, 8 nhà bếp, 3 nhà ăn cho học sinh bán trú, 4 nhà tắm, 12 sân chơi và xây dựng hàng rào, cổng và biển trường ở 8 điểm trường; hơn 1.000m2 sân chơi của học sinh được đổ bê tông... nhờ đó từng bước góp phần xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Bên cạnh đó, từ chương trình bữa cơm có thịt của “Quỹ Trò nghèo vùng cao”, trẻ từ 0-2 tuổi tại 26 trường mầm non và học sinh bán trú các trường tiểu học và trung học cơ sở, được hỗ trợ hàng chục tấn thịt lợn và kinh phí tổ chức nấu ăn cho học sinh trị giá hơn 1 tỷ đồng. Ðây thật sự là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, giảm thiểu các nguy cơ đối với những em trong độ tuổi học sinh tiểu học, trung học cơ sở khi không được đến trường. Cũng nhờ nguồn XHHGD, trong năm học 2016-2017 Trường Mầm non Khong Hin, Sao Mai đã xóa bỏ hoàn toàn các lớp học, nhà bếp, nhà vệ sinh là nhà tạm thay vào đó là các lớp học, nhà bếp, nhà vệ sinh lắp ghép bằng tấm panen cách nhiệt. Ðồng thời, huyện Tuần Giáo còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí bằng tiền mặt, sách vở, ti vi, bút, giày dép, mì tôm, gạo, quần áo ấm, chăn màn, các suất quà và các suất học bổng... dành cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh bán trú và nội trú ở 69 trường trên địa bàn huyện. Trong năm học 2016-2017, tổng kinh phí các trường nhận được từ các chương trình từ thiện là trên 18 tỷ đồng; trong đó, riêng Dự án xây dựng Trường THCS Pú Xi (xã Pú Xi) trị giá 11 tỷ đồng đang được triển khai thực hiện.

 Khi chúng tôi ngỏ ý về việc liệu có thể chia sẻ những “bí quyết” đã giúp ngành GD-ÐT Tuần Giáo thu được những kết quả khả quan trong công tác XHHGD mấy năm qua, bà Lê Thị Hồng xua tay, nói: Không có gì là bí quyết ngoài việc lãnh đạo Phòng phải gương mẫu, tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo và nhất là phải hết sức minh bạch, vô tư và hợp lý, thiết thực trong việc sử dụng các nguồn kinh phí, vật chất đầu tư, giúp đỡ. Năm học vừa qua việc cha mẹ học sinh ủng hộ gần 50.000 ngày công lao động cải tạo, tu sửa khuôn viên trường lớp; đào đắp hàng nghìn khối đất; hỗ trợ hàng chục tấn xi măng, ngói, cát, ván và cột gỗ... để làm nhà ăn, bếp, nhà để xe, khu rửa tay cho trẻ tại 10 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở với nguồn vốn tạm tính trên 550 triệu đồng... là một bằng chứng sinh động để nói rằng công tác XHHGD của ngành được nhân dân rất tin tưởng và hưởng ứng.

Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam lần thứ 35, xin chúc cho tập thể CBGVNV trong ngành GD-ÐT Tuần Giáo tiếp tục thu được những kết quả cao hơn nữa. Chúng tôi hiểu phải yêu ngành, yêu trường, yêu học sinh lắm thì các CBGVNV mới hăng say, nhiệt tình với công tác XHHGD như thế. Theo bà Lê Thị Hồng thì nhờ sự sẻ chia kịp thời và giúp đỡ hiệu quả của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân các nhà hảo tâm đã làm ấm lòng CBGVNV và các bậc phụ huynh, giúp cho nhiều em học sinh trên địa bàn huyện có được điều kiện sống và học tập ngày càng tốt hơn.

Trương Hữu Thiêm
Bình luận
Back To Top