Nậm Pồ chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất trường học

09:45 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 5766 In bài viết
ĐBP - Trở lại Trường THPT Dân tộc Bán trú Tiểu học Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ),  sự đổi thay đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy là cơ sở vật chất ngày càng khang trang, sạch sẽ. Các phòng học được trang bị bàn ghế, hệ thống chiếu sáng, quạt mát theo chuẩn, sân trường được đổ bê tông...

Thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời điểm huyện mới thành lập (năm 2013), cả trường có 16 phòng học kiên cố, còn lại là phòng học tạm và thiếu thốn trang thiết bị dạy và học. Ðến nay, sau gần 5 năm thành lập, diện mạo Trường đã hoàn toàn thay đổi. Hiện, Trường có 20 phòng học kiên cố; 5 phòng bán kiên cố và 19 phòng, lớp học “3 cứng”, không còn phòng học tạm. Phòng công vụ cho giáo viên, phòng bán trú cho học sinh cũng được thay đổi về số lượng và chất lượng. Toàn trường có 10 phòng kiên cố và 5 phòng công vụ “3 cứng” cho giáo viên (tăng 8 phòng so với năm 2013); 15 phòng kiên cố và 15 phòng bán trú “3 cứng” phục vụ học sinh nội trú (tăng 15 phòng so với năm 2013). Cùng với đó, hệ thống sân trường, bãi tập, khuôn viên được bê tông, có vườn tăng gia phục vụ học sinh bán trú; trang thiết bị cơ bản đáp ứng công tác dạy và học của giáo viên, học sinh. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất và nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, theo lộ trình, Trường THPT Dân tộc Bán trú Tiểu học Na Cô Sa sẽ đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2019 - 2020.

 

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nà Hỳ số 2 (xã Nà Hỳ) đổ bê tông sân trường.

Không riêng Trường THPT Dân tộc Bán trú Tiểu học Na Cô Sa, nhiều trường học khác trên địa bàn huyện đã và đang được đầu tư duy tu, sửa chữa và xây mới nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động dạy và học. Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, huyện đã dành nhiều tỷ đồng từ các chương trình, dự án để xây dựng nhà lớp học, phòng học phục vụ nhu cầu dạy và học ở cả 3 cấp, từ mầm non đến bậc THCS. Ngoài ra, UBND, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện thường xuyên kêu gọi, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền, vật liệu để xây dựng hệ thống trường, lớp học. Chỉ tính riêng năm học 2016 - 2017, ngành GD&ÐT huyện Nậm Pồ xã hội hóa được 14,4 tỷ đồng, trong đó: Trên 4 tỷ đồng phục vụ làm nhà lớp học theo tiêu chí “3 cứng”. Khi mới thành lập huyện Nậm Pồ có 37 trường học thuộc 3 cấp. Toàn huyện chỉ có 8/37 trường đủ điều kiện tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh, 4/37 trường đạt chuẩn quốc gia tiểu học và THCS (2 trường thuộc xã Chà Nưa và 2 trường thuộc xã Si Pa Phìn). Song đến nay, toàn huyện có 45 trường ở 3 cấp học với 834 phòng học. Trong đó: 384 phòng học kiên cố, 53 phòng học bán kiên cố, 397 phòng học “3 cứng”, 346 phòng công vụ, 100% trường có công trình nước sạch, vệ sinh và 387 phòng ở nội trú cho học sinh. So với năm 2013, ngành GD&ÐT huyện đã thay thế toàn bộ 298 nhà lớp học tạm bằng phòng học “3 cứng”, làm mới 88 nhà nội trú cho học sinh, 21 bếp ăn tập thể (17 bếp sử dụng nồi hơi). Cơ sở vật chất khang trang tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, huyện Nậm Pồ có 18/45 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 14 trường đạt chuẩn so với năm 2013 (cao nhất tỉnh trong giai đoạn 2013 - 2016).

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành GD&ÐT, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các trường trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Mới đây, Nậm Pồ là 1 trong những huyện được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc Ðề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 do Sở GD&ÐT quản lý. Theo đó, năm học 2017 - 2018, có 178 phòng học mầm non được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 118,9 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top