Ngôi trường “chắp cánh” ước mơ

10:30 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 3999 In bài viết
ĐBP - Tiếp chúng tôi trong căn phòng ấm cúng, cô Trương Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Suối Lư, xã Phì Như (huyện Ðiện Biên Ðông) chia sẻ về những ngày gian khó khi trường mới thành lập. Cô Tuyết cho biết: Là ngôi trường đóng chân trên địa bàn xã vùng cao, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên những ngày đầu thành lập thiếu thốn đủ bề. Nhưng với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu” cùng với sự hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước, sự nỗ lực bền bỉ của tập thể sư phạm, trải qua chặng đường xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã đạt được những thành tựu đáng mừng. Cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo học sinh không ngừng được cải thiện và nâng cao. Bước vào năm học mới, trường có 33 cán bộ, giáo viên; 391 học sinh ở tất cả các khối lớp; hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh với 10 phòng học kiên cố, 5 phòng học bán kiên cố; 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, các lớp học được trang trí đảm bảo phù hợp, mỹ quan.

 

Tiết học của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Suối Lư.

Ðể thắp sáng sự học trên vùng đất “khó”, mỗi thầy cô giáo nơi đây thực sự là một tấm gương tự học, tự rèn luyện đối với học sinh; đội ngũ sư phạm nhà trường đã nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Với đặc thù là ngôi trường chủ yếu học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhà trường thường xuyên gắn kết chặt chẽ giữa dạy chữ với rèn người. Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy theo tuần, tháng cho từng bộ môn phù hợp với nhận thức của học sinh vùng cao; xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập kiểm tra phù hợp với từng đối tượng học sinh; tổ chức coi thi, chấm kiểm tra theo văn bản hướng dẫn của ngành, lưu trữ đầy đủ bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Nhà trường luôn thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tham mưu kịp thời với cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo các cấp phối hợp tuyên truyền, huy động học sinh đi học chuyên cần. Ðặc biệt, khá nhiều học sinh sống xa gia đình, học tập và sinh hoạt tập trung (125/391 học sinh bán trú), bởi vậy các thầy, cô giáo ngoài dạy học còn là người cha, người mẹ lo bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang cho học sinh lúc ốm đau; gần gũi động viên các em yên tâm học tập tốt. Công tác nuôi dưỡng học sinh được trường chú trọng, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; nhà trường còn tăng gia trồng rau xanh góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa được quan tâm tổ chức, như: Tổ chức tốt các ngày lễ tết; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục giá trị sống, rèn luyện thể chất, đạo đức, thẩm mỹ cho học sinh... giúp các em có kiến thức toàn diện; góp phần quan trọng “Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực” cho địa phương.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top