Người “đưa đò” thầm lặng

15:24 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 5414 In bài viết
ĐBP - Chúng tôi gặp cô giáo Bùi Thị Sinh (53 tuổi), Trường Tiểu học số 1 Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà); tại ngôi trường nơi miền biên ải này, cô trải lòng về những năm tháng “đưa đò” trên “dòng sông tri thức” của mình.

Tốt nghiệp trung cấp sư phạm năm 1983 khi vừa tròn 19 tuổi, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và những hoài bão ước mơ, cô Sinh tình nguyện rời quê hương Duy Tiên (Hà Nam) lên Điện Biên để dạy học và được Ty Giáo dục tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên phân công về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lay (nay là huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên).

 

Cô giáo Bùi Thị Sinh hướng dẫn học sinh trong giờ học toán lớp 5A, trường Tiểu học Số 1 Na Sang.

Nơi đầu tiên cô nhận giảng dạy là bản Nậm He, một điểm trường không chỉ xa nhất của Trường Tiểu học Mường Tùng, mà đó còn là địa bàn khó khăn nhất của huyện Mường Chà. Ngoài cơ sở vật chất tạm bợ, thì việc dạy học sinh dân tộc thiểu số học tiếng phổ thông là việc làm cực nhọc.

Lớp học của cô Sinh ngày ấy 100% là học sinh dân tộc Mông. Trong lớp, mỗi khi cô hỏi bằng tiếng phổ thông thì học sinh không trả lời, vì khả năng giao tiếp tiếng phổ thông của các con rất yếu. Đã không ít lần cô Sinh phải bật khóc vì không biết nói sao, giải thích thế nào cho học trò hiểu và làm theo. Gian nan là vậy, nhưng cô giáo Bùi Thị Sinh vẫn không bỏ cuộc. Cô quyết tâm mang “ánh sáng” lên non bằng cách học tiếng Mông để thuận lợi trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh và giao tiếp với bà con dân bản. Ươm mầm xanh cũng đến ngày đơm hoa, kết trái; hầu hết học sinh do cô chủ nhiệm đều đọc thông viết thạo, nhiều em vươn lên đạt học lực khá, giỏi. Còn cô giáo Bùi Thị Sinh đã thành thạo “song ngữ” và được người dân tin yêu như người con của bản làng.

34 năm đứng trên bục giảng, không chỉ dạy học ở bản Nậm He (xã Mường Tùng), mà hầu hết các bản vùng sâu, vùng xa nơi biên giới của huyện Mường Chà với những điểm trường cheo leo bên sườn núi, đều in dấu chân cô. Nhiều thế hệ học trò của cô giờ là cán bộ của xã, của huyện.

Là một trong những thế hệ học trò đầu tiên của cô giáo Bùi Thị Sinh, Bác sỹ Hồ A Chua, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Chà tâm sự với chúng tôi: “Để có vị trí và công việc ổn định như ngày hôm nay, mình phải cảm ơn cô giáo Sinh rất nhiều. Ngày đó mình thường xuyên bỏ học đi làm nương, cô Sinh đã nhiều lần đến nhà để động viên mình ra lớp. Cô là một giáo viên hết lòng vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục ở nơi vùng cao nhiều gian khó này”.

Không chỉ tận tụy với nghề, hết mực thương yêu học sinh, cô Bùi Thị Sinh còn là một giáo viên dạy giỏi các cấp trong nhiều năm liền. Cô thường được giao trọng trách ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi của huyện. Dù dạy ở trường, khối lớp nào cô cũng luôn được tín nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn và được bầu làm Chủ tịch Công đoàn của trường. Năm học 2000 – 2001, cô Sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”; năm học 2005 – 2006, cô được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì hoạt động công đoàn” để ghi nhận những đóng góp của cô trong sự nghiệp giáo dục và công đoàn ngành.

Từ năm 2012 đến nay cô giáo Bùi Thị Sinh được chuyển về Trường Tiểu học số 1 Na Sang, xã Na Sang (huyện Mường Chà). Dù công tác ở bất cứ môi trường nào cô luôn hết mình với sự nghiệp trồng người mà cô đã chọn. Năm học 2017 – 2018, cô giáo Bùi Thị Sinh được phân công giảng dạy lớp 5A1, và được biết, năm học tới (2019) cô sẽ nghỉ chế độ hưu trí theo quy định của Nhà nước, nhưng hôm nay đứng trên bục giảng cô giáo Bùi Thị Sinh vẫn tràn đầy năng lượng, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Bà Trần Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Na Sang, cho biết: “Không chỉ giỏi việc trường, đảm việc nhà, cô giáo Bùi Thị Sinh còn là một người gần gũi, chan hòa với đồng nghiệp, nuôi dạy con cái ngoan ngoãn và thành đạt. Hiện tại, con trai lớn của cô Sinh là Phó Trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Chà và cô con gái thứ hai cũng đang học Đại học Sư phạm năm thứ ba để tiếp nối sự nghiệp “trồng người” của mẹ.

Năm tháng trôi qua, cô giáo trẻ Bùi Thị Sinh năm nào giờ tóc đã điểm bạc; tuổi trẻ của cô là những năm tháng bám bản, bám trường; với biết bao nhiêu ngày vượt núi, băng rừng, vào từng làng, từng bản để vận động các em đến lớp. Chính những năm tháng không thể quên đó sẽ là ngọn lửa để cô luôn “cháy” với nghề, giúp cô vững tin, hoàn thành sứ mệnh người “đưa đò” thầm lặng chở “khách” sang sông.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top