Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên

Cam kết chất lượng, chuẩn “đầu ra”

15:04 - Thứ Tư, 07/02/2018 Lượt xem: 5957 In bài viết
ĐBP - Trước nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp về chất lượng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề ngày càng cao, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đã và đang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo; tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, đào tạo theo địa chỉ sử dụng gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Là ngôi trường có bề dày truyền thống trong công tác đào tạo các ngành, nghề kỹ thuật cho người lao động, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên có trụ sở khang trang với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại, hệ thống nhà xưởng... được quan tâm đầu tư; đội ngũ giáo viên có trình độ, kinh nghiệm, tận tâm với công tác giảng dạy, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học nghề của học sinh, sinh viên. Với phương châm “Dạy nghề đi đôi với dạy người”, do vậy yếu tố chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn được Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đặt lên hàng đầu. Hàng năm, nhà trường đã chủ động rà soát cử cán bộ, giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, đến nay trong tổng số 121 cán bộ, viên chức trong biên chế có tới 75,7% có trình độ Ðại học trở lên; 100% giáo viên đạt tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ chuyên môn chuẩn theo Thông tư số 08/2017/TT-BLÐTBXH ngày 10/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

 

Thầy giáo Ðoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên kiểm tra giờ thực hành của học sinh lớp học nghề Công nghệ ôtô.

Mở rộng đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đa dạng các hệ, ngành nghề đào tạo với quy mô 524 học sinh, sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp trong năm học 2017 - 2018. Trong đó, có 7 nghề đào tạo trình độ cao đẳng (Công nghệ ôtô, Ðiện công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin, Lâm sinh, Kế toán doanh nghiệp và Công tác xã hội); 12 nghề đào tạo trình độ trung cấp (Công nghệ ôtô, Ðiện công nghiệp, Ðiện dân dụng, Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp dưới 110 KV; Hàn, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng, Tin học văn phòng, Lâm sinh, Chế biến mủ cao su, Kế toán doanh nghiệp và Công tác xã hội). Một số nghề kỹ thuật - công nghệ, như: Công nghệ ôtô, Ðiện công nghiệp… thu hút khá đông học sinh, sinh viên theo học và cũng là nghề có “đầu ra” tương đối, thu nhập ổn định. Công tác đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên luôn được nhà trường quan tâm, nhờ đó trong năm đã tuyển sinh và đào tạo được 2.154 học viên/1.700 chỉ tiêu, vượt 26,7%. Trong đó, đào tạo sơ cấp (từ 3 tháng trở lên) cho 1.527 học viên, gồm các nghề: Lái xe ô tô các hạng B1, B2, C; Vận hành máy thi công nền; Sửa chữa xe máy; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn. Các nghề đào tạo thường xuyên (dưới 3 tháng) và giáo dục thường xuyên luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm.

 

Thầy giáo Ðoàn Thanh Quỳnh (bên phải), Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên ký bàn giao học sinh tốt nghiệp đi làm việc theo hợp đồng với doanh nghiệp.

Trên lộ trình tự chủ, thực hiện xã hội hóa và cam kết chất lượng đào tạo, Năm 2017, nhà trường đã thực hiện chuyển đổi chương trình đào tạo tất cả các nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy phép đào tạo: 7 nghề trình độ cao đẳng, 12 nghề trình độ trung cấp và 10 nghề trình độ sơ cấp. Từ năm học 2017 - 2018, chương trình đào tạo của nhà trường tiếp tục được đổi mới theo hướng tinh gọn, tích hợp các môdun/môn học, tăng thời lượng thực hành, thực tập sản xuất và đạt chuẩn “đầu ra”. Thời gian đào tạo được điều chỉnh phù hợp, đối với các nghề trình độ cao đẳng rút ngắn từ 3 năm xuống còn 2,5 năm; trung cấp từ 2 năm xuống 1,5 năm. Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề; chú trọng kỹ năng thực hành, thực tập nghề và thực tế sản xuất cho giáo viên và người học nghề. Mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết với các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở trong và ngoài tỉnh để tuyển sinh và đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người học nghề sau tốt nghiệp. Từ năm 2016, nhà trường đã tăng cường công tác quản lý cơ sở vật chất, thực hiện phân cấp quản lý đến các đơn vị, từng bước khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề hiện có phục vụ công tác đào tạo. Ðầu tư, đổi mới trang thiết bị dạy nghề phù hợp với từng ngành, nghề và nhu cầu của thị trường lao động... từng bước nâng cao điều kiện làm việc của cán bộ giáo viên, học tập của học sinh sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công đào tạo các ngành nghề, nhất là nghề kỹ thuật.

 

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên đi làm việc theo mô hình liên kết trong quá trình đào tạo theo hợp đồng với doanh nghiệp.

Thầy giáo Ðoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên cho biết: Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, những năm gần đây, nhà trường đã chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội tuyển sinh và đào tạo các nghề: Ðiện công nghiệp, hàn, công nghệ ôtô, quản lý vận hành hệ thống điện... theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; đào tạo công nhân kỹ thuật, bố trí việc làm cho các dự án tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các dự án trọng điểm quốc gia; liên kết với Công ty Cổ phần LILAMA 69 - 1; Công ty Cổ phần Cầu 12; Công ty Lắp máy Ninh Bình, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn Thanh Hóa... tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực hành thực tế sản xuất; liên kết với Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long tổ chức cho sinh viên đi trải nghiệm thực tế, lao động sản xuất; liên kết với Công ty Xây dựng tư nhân Xuân Chính Ðiện Biên tổ chức cho học viên nghề vận hành máy thi công nền trực tiếp thi công tại các công trình… Mô hình đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp của nhà trường trong thời gian qua giúp cho học sinh, sinh viên được thực hành trong môi trường sản xuất chuyên nghiệp, được tiếp xúc với máy móc hiện đại, được các kỹ sư và thợ tay nghề bậc cao của các công ty trực tiếp hướng dẫn thực hành. Qua đó, các em được tiếp thu và rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động, bổ sung kiến thức và các kỹ năng “mềm”, như: Kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm... Trong quá trình thực hành, thực tập sản xuất học sinh, sinh viên được trả lương từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày và được hỗ trợ chỗ ở, điều kiện sinh hoạt phù hợp. Qua thực hành, thực tập sản xuất tại các nhà máy, công trường người học được các công ty, doanh nghiệp đánh giá cao về tay nghề, kiến thức, kỹ năng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, ý thức chấp hành tốt nội quy, quy chế, kỷ luật an toàn lao động. Và đa số các em được các công ty, doanh nghiệp cam kết nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhóm nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ thời gian qua thu hút khá đông học viên theo học và cũng là nhóm nghề được các công ty, doanh nghiệp tìm kiếm nhiều lao động. Chính vì vậy, trong thời gian tới Trường Cao đẳng Nghề Ðiện Biên sẽ cơ cấu lại một số ngành nghề đào tạo để tập trung tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; đồng thời, mở rộng mô hình liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm để tạo “đầu ra”, việc làm ổn định cho học sinh, sinh viên.

Bài, ảnh: Minh Thuỳ
Bình luận
Back To Top