Tìm cách hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm

16:24 - Thứ Hai, 16/04/2018 Lượt xem: 7274 In bài viết

Theo thông tin từ ngành giáo dục năm 2018, đào tạo sư phạm sẽ có nhiều thay đổi như: chỉ tiêu sư phạm giảm mạnh; đầu vào được nâng lên; đào tạo sẽ hướng dẫn theo địa chỉ sử dụng...

Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, tổng hợp nhu cầu của từng địa phương và năng lực từng trường, Bộ GD-ĐT quyết định tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm 2018. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 của khối ngành sư phạm chiếm khoảng 80% so với tổng số thí sinh thực tuyển năm 2017. Chỉ tiêu năm 2017 của khối ngành sư phạm khoảng 54.000, nhưng con số thực tuyển của các trường chỉ đạt 80% chỉ tiêu đề ra, tức là khoảng 43.000 thí sinh. Như vậy, chỉ tiêu của năm 2018 đối với các trường sư phạm là khoảng 35.000. So với năm 2017, chỉ tiêu sư phạm giảm gần 40%.


Bộ GD-ĐT cho hay, căn cứ để xác định chỉ tiêu năm 2018 dựa vào tổng nhu cầu của địa phương được tính là tổng số của số sinh viên dự kiến tuyển mới, số sinh viên dự kiến tốt nghiệp và số sinh viên đã tốt nghiệp chưa có việc làm trong những năm qua. Đồng thời, kết hợp yếu tố vùng miền, việc định hướng dịch chuyển cơ cấu giáo viên mầm non, giáo dục tiểu học ở các trình độ theo dự thảo Luật Giáo dục. 

Trong đó, đáng chú ý năm 2018, 4/6 trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia hạ chỉ tiêu so với năm 2017: Sư phạm Hà Nội tuyển 1.415 chỉ tiêu, giảm 21% so với năm trước; Đại học Sư phạm (Đại học Huế) giảm 37,5% ngành đào tạo giáo viên hệ đại học; Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) giảm 31,4%; Đại học Sư phạm TPHCM giảm 7,6%... Từ phía các trường đại học, nhiều trường cũng đã chuyển động tích cực để nâng chất đào tạo ngành sư phạm từ năm 2018. GS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, cho biết, từ năm 2010 đến nay, trường đã chủ động lộ trình giảm chỉ tiêu sư phạm. Trước năm 2015, chỉ tiêu các ngành sư phạm của trường là 1.500 nhưng đã giảm dần qua từng năm, năm 2017 còn 650 chỉ tiêu và năm 2018 tiếp tục giảm. GS Đinh Xuân Khoa cũng cho rằng, đào tạo sư phạm phải nhanh chóng đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Theo đó tỉnh nên đứng ra đặt hàng với trường sư phạm trên địa bàn, chọn một số học sinh khá giỏi để đào tạo sư phạm, ra trường bố trí việc làm cho các em, đây sẽ là những nhân tố để thúc đẩy chất lượng đội ngũ giáo viên. Hiện tỉnh Thanh Hóa đã đặt hàng Trường Đại học Hồng Đức mỗi năm đào tạo từ 10 - 15 sinh viên là học sinh giỏi, học sinh giỏi quốc gia hoặc với những thí sinh có ít nhất tổng điểm 3 môn là 24 điểm... nhằm tạo nguồn cho đội ngũ giáo viên trong tương lai. Đại học Vinh cũng thông báo tuyển thẳng đối với học sinh các trường chuyên như THPT chuyên Đại học Vinh, THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), THPT chuyên năng khiếu Hà Tĩnh. 

Khó khăn lớn nhất hiện nay của đào tạo sư phạm là đầu ra cho sinh viên. Vì thế, khi các trường sư phạm đã làm tốt và nghiêm túc đầu vào thì địa phương và các ngành liên quan cũng cần có những chính sách riêng đối với sinh viên sư phạm, đặc biệt là sinh viên giỏi để các em yên tâm khi chọn ngành sư phạm.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top