Cần rèn cho học sinh kỹ năng chủ động phòng chống đuối nước

16:00 - Thứ Hai, 28/05/2018 Lượt xem: 6841 In bài viết
Trao đổi của ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác chỉ đạo phòng chống đuối nước, phổ cập dạy bơi cho học sinh (HS) trong nhà trường mùa hè năm 2018.

PV: Thưa ông, trong mùa hè năm nay, công tác chỉ đạo phòng chống đuối nước, phổ cập dạy bơi cho học sinh (HS) trong nhà trường được ngành Giáo dục triển khai có điểm gì nổi bật đáng chú ý?

Ông Ngũ Duy Anh: Trước sự cấp thiết về vấn đề phòng, chống đuối nước HS, trong dịp hè năm nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản số 1281/BGDĐT-GDTC ngày 4-4-2018 về việc tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước cho HSSV dịp hè năm 2018. Ngoài việc chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức dạy bơi cho HS, văn bản chú trọng đến việc yêu cầu “Đối với các trường phổ thông, hàng ngày giáo viên dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi HS tan trường để quán xuyến, nhắc nhở, khuyến cáo các em trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng”, qua nội dung này có thể giáo dục HS: nếu không biết bơi thì tuyệt đối không được tham gia bơi lội, hoặc những HS đã biết bơi thì không được chủ quan, phải biết bơi ở đâu an toàn và biết đâu là chỗ nguy hiểm không được tham gia bơi…

 

 Giờ học bơi tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Hà Nội) (Ảnh: Phòng GD-ĐT quận Thanh Xuân, Hà Nội).
PV: Ông có thể cho biết tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em/HS tại các địa phương trong cả nước?

Ông Ngũ Duy Anh: Hiện nay, việc thống kê số liệu trẻ em/HS tử vong do đuối nước đang được nhiều ngành thực hiện: Bộ Y tế, Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội (LĐTBXH), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL)…

Bộ GD-ĐT cũng đã, đang triển khai việc thống kê này. Qua nắm bắt thông tin và thống kê chưa đầy đủ của Bộ GD-ĐT, năm 2016 đã xảy ra 23 vụ tai nạn đuối nước với 60 em tử vong, năm 2017 là 46 vụ với 78 em tử vong.

Về số liệu mới nhất, Vụ Thể chất, Bộ GD-ĐT đang tiếp nhận các báo cáo của các sở GD-ĐT để tổng hợp, dự kiến trong tháng 7-2018 sẽ có số liệu thống kê về số lượng trẻ em/HS tử vong do đuối nước trong các năm từ 2015 đến 2017.

PV: Hiện nhiều địa phương tùy theo tình hình thực tiễn đã triển khai đa dạng các mô hình phổ cập bơi cho HS. Ông có thể đánh giá về những mô hình đã đạt hiệu quả?

Ông Ngũ Duy Anh: Hiện nay ở nhiều tỉnh/thành phố đã rất chủ động triển khai các mô hình dạy bơi cho HS trong trường học, điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh…

Tại tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giáo dục phổ cập bơi cho HS, đến thời điểm này có hơn 40 hồ bơi được đầu tư vào trường học trên địa bàn. Ngoài việc tổ chức dạy bơi cho HS trong các giờ thể dục, nhà trường phối hợp với gia đình tổ chức dạy bơi cho HS vào thời gian ngoài giờ lên lớp theo mô hình xã hội hóa.

TP Hồ Chí Minh là thành phố đi đầu trong công tác phổ cập bơi và thực hiện mô hình xã hội hóa sớm nhất. Hiện nay, đã có nhiều trường học được trang bị bể bơi, việc tổ chức dạy bơi cho HS được thực hiện rất đa dạng, dạy tại trường, liên kết cơ sở có bể bơi, tổ chức cho HS học ở ngoài nhà trường, hoặc phối hợp cha mẹ HS tổ chức các lớp dạy bơi cho HS ở các trung tâm....

Tại Hà Nội, UBND quận/huyện đã cấp kinh phí lắp đặt bể bơi trong các trường học, một số quận/huyện còn hỗ trợ học phí học bơi cho HS. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đã tổ chức nhiều các bể bơi di động lắp ghép đáp ứng tương đối nhu cầu học bơi của trẻ em, HS trên địa bàn thành phố. Điển hình như quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy, quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, rất nhiều trường học tại các quận này đã và đang được trang bị hệ thống bể bơi lắp ghép.

Tại Quảng Ninh, riêng huyện Đông Triều hiện nay UBND huyện đã kêu gọi các nhà đầu tư bể bơi vào trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Đến thời điểm này gần như các trường tiểu học và THCS đều được trang bị bể bơi và việc tổ chức dạy bơi trong các nhà trường phát huy rất tốt hiệu quả.

Còn tại Đà Nẵng, chương trình phổ cập xóa mù bơi được triển khai rất hiệu quả trong những năm qua. Khi kết thúc dự án Bơi an toàn được tài trợ bởi Liên minh vì sự an toàn trẻ em, Đà Nẵng được tiếp nhận 15 bể bơi lắp ghép của dự án, UNBD thành phố đã kịp thời hỗ trợ và đầu tư thêm nhiều hồ bơi (hiện nay có trên 60 hồ bơi) được trang bị trong các trường tiểu học và THCS và hiện nay Đà Nẵng đang là địa phương đi đầu trong công tác phổ cập bơi cho HS.

Ngoài ra còn nhiều các tỉnh/thành khác vận dụng mọi điều kiện phù hợp thực tế để triển khai giáo dục bơi cho HS như làm lồng bơi trên các sông, hồ, bãi biển….

PV: Theo Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025, mục tiêu đưa ra là đến năm 2020 có 50% cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi cho HS. Để đạt được mục tiêu này, cần đề cập đến đến đội ngũ những người làm công tác dạy bơi. Hiện đội ngũ này đang được phát triển như thế nào?

Ông Ngũ Duy Anh: Giáo viên dạy bơi ở các cơ sở ngày càng tăng về số lượng, cơ bản đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi ở các địa phương. Trung bình mỗi năm khoảng 600-700 giáo viên cốt cán cho các địa phương được đào tạo bồi dưỡng thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng hàng năm. Đội ngũ này là những máy cái tiếp tục về địa phương chịu trách nhiệm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các giáo viên khác ở từng quận/huyện và hằng năm số lượng tăng dần..

Ngoài đội ngũ giáo viên trong các trường được bồi dưỡng, tập huấn còn có đội ngũ cán bộ làm công tác thể thao ở các cơ sở, cán bộ làm công tác đoàn ở các xã phường…

PV: Tuy nhiên, ngay cả tại những TP lớn như Hà Nội thì đội ngũ giáo viên có chuyên môn bơi có thể dạy bơi cho HS ở các nhà trường được đánh giá vẫn còn hạn chế? Chúng ta đang khắc phục việc này ra sao?

Ông Ngũ Duy Anh: Từ năm 2006 đến nay, Bộ GD-ĐT thường xuyên, hằng năm phối hợp với Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ giáo viên thể dục về phương pháp dạy bơi, kỹ năng cứu đuối. Chương trình tập huấn cho giáo viên được sử dụng các tài liệu do Tổng cục TDTT biên soạn, xây dựng và kết hợp tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế tham gia hỗ trợ Việt Nam về phòng, chống đuối nước trẻ em, HS, thí dụ: Giáo trình dạy bơi trẻ em do Tổng cục TDTT ban hành, Giáo trình hướng dẫn bơi an toàn của tổ chức Liên minh vì sự an toàn trẻ em (TASC), tài liệu của tổ chức HueHelp….

Năm 2018, Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL, Bộ GD-ĐT, Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) đã phối hợp xây dựng bộ tài liệu: "Hướng dẫn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên cơ sở về chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em”. Hiện nay, bộ tài liệu này đang được sử dụng tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán các trường phổ thông trên toàn quốc thông qua các lớp tập huấn do Tổng cục TDTT phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức vào các tháng 5,6 và 7.

Sắp tới Bộ tiếp tục phối hợp Bộ LĐTBXH, Tổng cục TDTT, Bộ VHTTDL triển khai dự án phòng, chống đuối nước do Quỹ BloomBerg tài trợ, ngoài việc hỗ trợ các địa phương triển khai các nội dung về giáo dục, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước, dạy bơi cho HS sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bộ tài liệu chuẩn tập huấn giáo viên và hướng dẫn HS để dùng chung trên toàn quốc.

PV: Ngoài các chương trình tập trung vào hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em tại cộng đồng và trường học, tập huấn cho giáo viên dạy bơi,... theo ông Bộ GD-ĐT cần có thêm những giải pháp gì để hạn chế tình trạng đuối nước của HS?

Ông Ngũ Duy Anh: Ngoài các chương trình tập trung vào hướng dẫn kỹ năng bơi cho trẻ em tại cộng đồng và trường học; tập huấn cho giáo viên dạy bơi thì những vấn đề then chốt nhất để hạn chế đuối nước trẻ em là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức, giáo dục các em HS kỹ năng nhận biết nguy cơ đuối nước để phòng tránh trong từng lớp học, trường học trên toàn quốc. Giáo dục cho các em HS không biết bơi thì tuyệt đối không được tham gia bơi, lội (trừ khi được người lớn bảo hộ, giám sát). Đặc biệt, cần giáo dục HS ngoài việc biết bơi phải biết các kỹ năng nhận biết nơi nào an toàn để bơi, tuyệt đối không bơi ở các nơi có biển báo nguy hiểm, hoặc những nơi hẻo lánh, lạ lẫm với mình…, vì khi biết bơi vẫn có thể bị đuối nước nếu không biết cách phòng, tránh và thực tế đã có rất nhiều trường hợp HS bơi giỏi mà vẫn tử vong do đuối nước.

Mỗi nhà trường, mỗi lớp học tuyệt đối thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về nội dung “hằng ngày giáo viên dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi HS tan trường để quán xuyến, nhắc nhở khuyến cáo các em trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian nghỉ hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng”.

Trong điều kiện hiện nay, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường chủ động dạy bơi cho HS trong giờ thể dục đối với các trường đủ điều kiện để dạy, các trường chưa đủ điều kiện thì tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho HS nhận thức được tác hại đuối nước và biết các kỹ năng chủ động đề phòng.

 

Một số nhiệm vụ triển khai trong năm 2018:

- Kế hoạch số 204/KH-BGDĐT ngày 12-4-2018 về việc “Bồi dưỡng, nâng cao năng lực hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho cán bộ, giáo viên thể dục cốt cán các trường phổ thông năm 2018”.

- Phối hợp Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL, Hội Đồng đội, Trung ương Đoàn đang triển khai một số các hoạt động tuyên truyền đẩy mạnh phong trào phòng, chống tai nạn đuối nước: Thi tìm hiểu kiến thức về kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước cho HS; Phát động phong trào học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em, HS; Tổ chức Giải bơi HS, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc, phát động phong trào học bơi phòng chống đuối nước dự kiến vào đầu tháng 8-2018 tại Đà Nẵng…

 
P.V (Nhân dân)
Bình luận
Back To Top