Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Nơi sao, in đề thi được cách ly 3 vòng

10:46 - Thứ Hai, 18/06/2018 Lượt xem: 5929 In bài viết
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27-6. Tới thời điểm hiện tại, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi đang được siết chặt, đặc biệt là ở khâu in, sao, vận chuyển đề thi.

Đảm bảo tuyệt đối công tác bảo mật đề thi

Ngày 14-6, ĐH Bách khoa Hà Nội bắt đầu in sao đề thi THPT quốc gia cho cụm thi của Sở GD-ĐT Hà Nội. Ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: Năm nay số lượng thí sinh đăng ký thi tăng hơn 6.500 thí sinh so với năm trước (từ khoảng 73.000 lên 79.625), khiến số lượng bài thi tăng cao. Nhà trường phải thuê 9 máy in siêu tốc (120 trang/phút) và tăng giờ làm đêm. Công tác in sao đề sẽ được hoàn thiện chậm nhất sáng 23-6. Đội ngũ gần 100 người có nhiều năm kinh nghiệm, vòng trong làm cố định, vòng ngoài làm theo ca.

 

Giám thị đang làm thủ tục kiểm tra niêm phong đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Nơi in sao được cách ly ba vòng độc lập, có nhân viên an ninh túc trực 24/24h. Tất cả điện thoại di động, máy tính xách tay, iPad... được thu giữ, để bên ngoài.

Ở vòng trong cùng, đồ ăn được đưa qua thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội và đại diện PA83. Cán bộ làm việc ở vòng này không thể liên lạc với bên ngoài. Mọi giao dịch, thông báo (nếu có) đều do trưởng ban in sao đề thi trực tiếp trao đổi với cán bộ công an ở vòng hai.

Tại vòng hai, luôn có cán bộ công an PA83 và Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội túc trực 24/24. Những người này chỉ có duy nhất điện thoại cố định, được ghi âm các nội dung trao đổi, để báo tin cho ban chỉ đạo in sao đề.

Ở vòng ngoài cùng, các nhân viên hậu cần, y tế cũng được kiểm soát nghiêm ngặt của công an phường, bảo vệ trường. Việc đưa đồ ăn hay vận chuyển bổ sung vật tư in ấn vào khu vực “lõi”, đều có công an kiểm tra, giám sát. Rác thải trong khu vực in sao đề chỉ được chuyển ra bên ngoài sau khi kết thúc kỳ thi.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội năm 2018, Trung tá Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng PA83, Công an TP Hà Nội - cho biết, công an sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng bán thiết bị điện tử, photocopy...

Tại Thái Bình, năm nay, ngoài lực lượng thanh tra cắm chốt, Sở GD-ĐT tỉnh sẽ thành lập 4 đoàn thanh tra lưu động, thường xuyên thanh tra các khâu tổ chức kỳ thi, kể cả vào thời điểm ban đêm. Đến thời điểm này, Công an tỉnh đã bố trí lực lượng, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tại địa điểm in sao đề thi, địa điểm thi, khu vực chấm thi, tham gia vận chuyển đề thi, bài thi bảo đảm an toàn tuyệt đối và đúng quy chế.

Đơn vị này cũng xây dựng phương án và kịp thời xử lý các hiện tượng tiêu cực như tung tin thất thiệt, bán đề giả, đưa tài liệu vào phòng thi, đe dọa cán bộ coi thi…; tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông tại các bến xe, bến phà, các nút giao thông, kịp thời giải tỏa ùn tắc tại các tuyến đường thí sinh đi thi và tại các điểm tổ chức thi.

Xây dựng mọi phương án tốt nhất hỗ trợ thí sinh dự thi

Đến thời điểm này, theo ghi nhận, toàn bộ các tỉnh, thành đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đồng thời lên phương án để kịp thời giải quyết các tình huống xảy ra trước, trong và sau kỳ thi. Các điểm thi được bố trí hợp lý nhất để vừa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, vừa hạn chế đến mức thấp nhất việc thí sinh phải di chuyển xa, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại tỉnh Quảng Nam, một số trường THPT có số lượng thí sinh ít, nhưng vẫn được bố trí điểm thi nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh đi lại, như Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện Nam Giang). Trường hợp cơ sở vật chất nhà trường không đảm bảo yêu cầu như THPT Nguyễn Khuyến (thị xã Điện Bàn), được bố trí sang địa điểm lân cận là Trường THCS Nguyễn Du. Đáng chú ý, ngoài các điểm thi THPT, lần này sẽ có 2 điểm thi dành cho thí sinh tự do đặt tại Trường THCS Kim Đồng (TP Hội An) và THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ).

Không chỉ hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho học sinh, ngành GD-ĐT các địa phương còn tích cực triển khai các giải pháp về chuyên môn như tổ chức ôn tập tại các đơn vị trường học, nhất là đối với các trường học khu vực miền núi.

Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú bố trí chỗ ăn, nghỉ cho học sinh và người nhà đi cùng; quan tâm hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi hợp lý, thuận tiện, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho những em ở xa về dự thi. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã cử nhiều đoàn công tác đi đến các trường miền núi, vùng sâu vùng xa để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, chuyên môn, đặc biệt là hỗ trợ nghiệp vụ tổ chức hoạt động dạy và học, hướng dẫn kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

Bên cạnh đó, chương trình Tiếp sức mùa thi 2018 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ GD-ĐT tổ chức sẽ diễn ra sớm hơn so với các năm trước. Thời gian diễn ra các hoạt động bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7-2018 và cao điểm từ 24 đến 27-6 tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc, tại tất cả các điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018.

Chương trình năm nay sẽ tập trung cho 2 mục tiêu là đảm bảo tất cả các điểm thi trên toàn quốc có đội hình Tiếp sức mùa thi và tất cả các thí sinh hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được hỗ trợ trong kỳ thi. Các nội dung cơ bản gồm: Công tác tuyên truyền; tư vấn, hỗ trợ; đảm bảo an ninh, an toàn; hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh về tư vấn mùa thi; giới thiệu nhà trọ miễn phí và giá rẻ; hướng dẫn nơi ăn uống giá rẻ, đảm bảo vệ sinh; hướng dẫn đi lại, phối hợp đảm bảo giao thông, an ninh tại địa điểm thi; hỗ trợ đi lại bằng xe ôm miễn phí hoặc giá rẻ; hướng dẫn làm thủ tục thi cho thí sinh…

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top