Chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới

08:22 - Thứ Hai, 06/08/2018 Lượt xem: 7937 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 2 tháng hè nghỉ ngơi, vui chơi, cùng với học sinh cả nước, gần 189.000 học sinh các cấp trong tỉnh chuẩn bị bước vào năm học mới 2018 - 2019. Ðể đảm bảo chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, thời gian qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây mới trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị nhằm đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới.

 

Công nhân Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Lộc Phát thi công công trình điểm trường trung tâm Trường PTDTNT Tiểu học Vàng Ðán (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Phạm Quang

Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 529 trường, 7.303 lớp với tổng số gần 189.000 học sinh thuộc các cấp học. Trong đó, cấp mầm non 176 trường, 2.401 nhóm lớp với hơn 58.860 trẻ; tiểu học 176 trường, 3.011 lớp với gần 67.800 học sinh; trung học cơ sở 129 trường, 1.380 lớp với 45.200 học sinh và trung học phổ thông 33 trường, 511 lớp với trên 17.200 học sinh. Về cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, toàn tỉnh hiện có 9.018 phòng học (5.492 phòng kiên cố, 2.042 phòng bán kiên cố, 1.484 phòng học tạm), 1.595 phòng học chức năng, 2.512 phòng công vụ và 3.047 phòng nội trú; đáp ứng trên 70% nhu cầu của học sinh, sinh viên. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn  Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT, cho biết: Với thực trạng cơ sở vật chất như hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, song số lượng phòng học tạm còn nhiều, nhất là tại các trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ða số các trường thiếu phòng học chức năng, nhà đa năng; một số trường chưa có nhà ban giám hiệu, thiếu nhà nội trú, bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh, nước sạch… nên ít nhiều ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh.

Ðể khắc phục khó khăn, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ tốt nhất cho năm học mới 2018 - 2019, thời gian qua, Sở GD&ÐT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường mầm non và các trường ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới. Ðồng thời, chỉ đạo phòng GD&ÐT các huyện, thị, thành phố và các trường trực thuộc chủ động rà soát, phân loại hệ thống cơ sở vật chất để đề nghị sửa chữa, nâng cấp; tập trung huy động nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực để cải tạo, sửa chữa các phòng học, phòng nội trú, nhà bếp, nhà ăn theo tiêu chí 3 cứng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, cải tạo các công trình trường, lớp học để kịp bàn giao đưa vào sử dụng trước khi bước vào năm học mới. Từ cuối năm 2017 đến nay, ngành GD&ÐT đã đưa vào sử dụng thêm 332 phòng học mới (214 phòng kiên cố, 72 phòng bán kiên cố, 46 phòng tạm), 11 phòng chức năng, 46 phòng công vụ giáo viên và 86 phòng nội trú học sinh.

Mặt khác, ngành GD&ÐT tích cực vận động, kết nối với các đơn vị, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm hỗ trợ sửa chữa, xây dựng trường, lớp học tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thời gian qua, Sở đã kêu gọi một số đơn vị ủng hộ với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng để đầu tư cải thiện, bổ sung các phòng học, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, Sở tiếp tục kiến nghị với bộ, ngành Trung ương ưu tiên cho tỉnh được tham gia tất cả các chương trình, dự án do Bộ GD&ÐT quản lý, như: Ðề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ; Dự án Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất giai đoạn 2; Chương trình Phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2; Chương trình Mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn… Cùng với việc tập trung xây dựng, tu sửa trường, lớp học, Sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát số lượng sách giáo khoa, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định để cân đối một phần ngân sách sự nghiệp giáo dục được giao mua sách giao khoa, bổ sung trang thiết bị đảm bảo tiết kiệm, hợp lý; vận động học sinh giữ gìn bộ sách giáo khoa để quyên góp, ủng hộ nhà trường khi kết thúc năm học…

Là huyện nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục còn hạn chế nên sau khi kết thúc năm học, huyện Nậm Pồ tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học. Ðể chuẩn bị cho năm học 2018 - 2019, ngoài việc sửa chữa hơn 200 phòng học và phòng bộ môn Phòng còn triển khai xây dựng 131 phòng học kiên cố theo nguồn vốn kiên cố hoá trường, lớp học; làm mới và nâng cấp trên 20 phòng học “3 cứng”. Phòng GD&ÐT huyện đã vận động một số đơn vị hỗ trợ xây dựng điểm trường, lớp học. Cụ thể, Nhóm Nụ cười trẻ thơ hỗ trợ 180 triệu đồng xây dựng Ðiểm trường Mầm non Huổi Lụ; Huyện đoàn Sóc Sơn (Hà Nội) hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà lớp học tại Huổi Lụ 1 (xã Nậm Nhừ); Nhóm Vì cuộc sống bình yên hỗ trợ 250 triệu đồng xây 2 phòng học tại Trường PTDTBT Tiểu học Vàng Ðán (xã Vàng Ðán). Nhờ vậy, số lượng phòng học kiên cố của huyện được nâng lên (đạt gần 60%). Ngoài ra, Phòng cũng chỉ đạo các trường sửa chữa sân chơi, bãi tập, tường rào; tổ chức lao động, dọn vệ sinh sân trường, lớp học; chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, vở viết, bổ sung trang thiết bị cần thiết phục vụ năm học mới.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top