Sinh viên cử tuyển

Nan giải bài toán “đầu ra”

08:33 - Thứ Năm, 06/09/2018 Lượt xem: 7101 In bài viết

ĐBP - Dù đã rất nỗ lực trong việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp đại học, song con số thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy giai đoạn 2015 - 2017 toàn tỉnh còn tới 55,7% sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường chưa được bố trí việc làm. Ðiều này khiến bản thân các em cũng như gia đình phiền muộn bởi thành quả sau nhiều năm đèn sách chưa có cơ hội được sử dụng, được cống hiến và gây lãng phí tiền của đầu tư của Nhà nước, tốn công sức, thời gian người học…

 

Trong khi tỉnh thực hiện chính sách tinh giản biên chế, một trong những giải pháp khắc phục tình trạng thất nghiệp trong sinh viên cử tuyển sau khi ra trường là tìm việc làm tại các hội chợ, ngày hội việc làm.  Trong ảnh: Học sinh, sinh viên được tư vấn giới thiệu việc làm tại Ngày Hội việc làm năm 2018 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.

Trong chuyến công tác về Mường Nhà - xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ðiện Biên cuối tháng 8 vừa qua, điều khiến chúng tôi trăn trở nhất đó chính là tâm tư, nguyện vọng của không ít bà con nơi đây mong muốn chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm giải quyết bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, nhất là đối với sinh viên đại học hệ cử tuyển. Toàn xã hiện có hơn 80 sinh viên học các trường chuyên nghiệp (trung cấp, cao đẳng, đại học) đã tốt nghiệp ra trường nhưng chưa xin được việc làm. Ðiều đáng nói là trong số đó có 4 sinh viên diện cử tuyển tại các trường đại học trong và ngoài nước ra trường chưa được bố trí việc làm, thậm chí có người hơn 3 năm vẫn phải tạm gác ước mơ trở thành “người Nhà nước” tất bật với cuộc sống mưu sinh, chờ ngày được cống hiến…

Gần 8 năm trước, người dân tộc Lào ở xã Mường Nhà học hết THPT đã hiếm vì thế mà Lò Văn Hiền (sinh năm 1992) trở thành sinh viên hệ cử tuyển của Trường Ðại học Lâm nghiệp không chỉ là niềm vui của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả dòng họ, của bà con trong bản Na Khoang này. Hiền chọn học ngành Quản lý tài nguyên nước vì được định hướng là phù hợp với nhu cầu của địa phương, với hoàn cảnh gia đình. Miệt mài đèn sách, thành quả được đáp đền đó là tấm bằng đại học đã có trong tay nhưng đã hơn 3 năm tốt nghiệp ra trường cùng là ngần ấy thời gian Hiền chưa xin được việc làm. Hồ sơ gửi đi khắp nơi nhưng chưa được xét tuyển. Vì thế mong muốn trở thành cán bộ địa chính xã với Hiền thật quá lớn lao. Biên chế tuyển công chức cấp xã phù hợp với chuyên ngành học từ nhiều năm qua địa phương đã tuyển đủ. Chưa được bố trí việc làm theo diện cử tuyển, tìm việc làm bên ngoài cũng khó nên hàng ngày Hiền vẫn cùng gia đình đi làm ruộng, đi nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng thu nhập. Ước mơ trở thành công chức, “người Nhà nước” với Lò Văn Hiền càng trở nên xa vời. Ông Lò Văn Tiến, bố của em Lò Văn Hiền cho biết: Năm nào tỉnh cũng có sinh viên tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển, chứ chưa nói gì đến hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường, trong khi tỉnh thực hiện tinh giản biên chế thì cơ hội được đi làm Nhà nước, được cống hiến của con tôi ngày càng khó thành hiện thực. Không chỉ con trai ông học hệ cử tuyển đại học ra trường không xin được việc làm mà con dâu Lò Thị Văn (vợ Lò Văn Hiền) học Ðại học Luật Hà Nội hệ cử tuyển có bằng rồi cũng vẫn cất vào ngăn tủ. Thay vì được bố trí việc làm theo diện cử tuyển thì cả 2 người con của ông Tiến vẫn ngày ngày lên nương tra hạt trồng ngô, làm lúa nương. Tương lai về một công việc Nhà nước phù hợp với ngành nghề đã học vẫn chưa thể định hình. Nhiều lần nộp đơn trình bày nguyện vọng được đi làm, cơ quan chức năng tiếp nhận vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa, khi có chỉ tiêu sẽ xem xét ưu tiên xét tuyển, bố trí việc làm. Tuy nhiên, khi nào được xem xét, bao giờ được giải quyết thì vẫn còn ở thì… tương lai!

Sinh viên tốt nghiệp đại học hệ cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm là vấn đề không mới, song lại được người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt quan tâm khi số cử nhân cử tuyển đại học ra trường chưa được bố trí việc làm ngày càng nhiều hơn. Em Lường Văn Thu (sinh năm 1989) bản Chống, xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý công nghiệp diện cử tuyển Ðại học Kỹ thuật - Công nghiệp Thái Nguyên từ năm 2016 đến nay vẫn chưa được bố trí việc làm. Thu tâm sự, điều em nản lòng nhất đó chính là khi chọn chuyên ngành, trường học diện cử tuyển không được tư vấn mà chọn theo sở thích. Ðây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến dù em đã có bằng đại học nhưng vẫn bị địa phương “từ chối” không nhận bởi lý do chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng! Vậy là gác lại ước mơ được cống hiến, được đi làm đúng ngành nghề, từ khi ra trường đến nay ngoài thời gian chủ yếu là cùng gia đình làm nông nghiệp, lúc nông nhàn ai thuê gì Thu làm đó, từ phụ hồ, xách vữa… để có thu nhập duy trì cuộc sống, đợi đến khi có cơ hội được vào Nhà nước. Ðau đáu với nghề đã học khi bỏ biết bao thời gian, công sức, tiền của đầu tư của Nhà nước, của gia đình; nhiều lúc Thu nản lòng rồi lại tự động viên mình cố gắng để chờ đợi, rồi hy vọng…

Nỗi niềm mong mỏi của Thu hay của vợ chồng Lò Văn Hiền - Lò Thị Văn cũng là của các cử nhân tốt nghiệp đại học diện cử tuyển, của gia đình họ mong muốn sớm được bố trí việc làm để không uổng phí thời gian, công sức theo học vừa không lãng phí tiền của Nhà nước, gia đình đã bỏ ra. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề bố trí việc làm này là bài toán không hề đơn giản. Theo thống kê của Sở Nội vụ cho thấy, số lượng sinh viên toàn tỉnh tốt nghiệp đại học theo chế độ cử tuyển trong 3 năm (2015 - 2017) là 140 người. Song đến nay mới có 62 sinh viên tốt nghiệp được bố trí việc làm tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh (đạt tỷ lệ 44,3%). Số còn lại là 78 người (chiếm tỷ lệ 55,7%) đã tốt nghiệp ra trường chưa bố trí được việc làm, tập trung vào các ngành: kỹ thuật, kinh tế, văn hóa… Theo ông Lê Ðình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do việc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, cơ cấu ngành nghề đào tạo hàng năm của một số địa phương chưa bám sát và dự báo được nhu cầu sử dụng thực tế của địa phương, đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng, sinh viên cử tuyển ra trường chưa được bố trí việc làm còn chiếm tỷ lệ cao. Một phần do yêu cầu tiêu chuẩn “đầu vào” của học sinh cử tuyển thấp (thường chỉ ở lực học trung bình), khả năng nhận thức và chất lượng đào tạo của học sinh cử tuyển còn hạn chế, nhất là đối với các ngành: Y dược, kinh tế, kỹ thuật. Trong khi tỉnh lại đang thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nên việc bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển càng khó khăn. Mặt khác, trên địa bàn cũng chưa có khu công nghiệp, khu chế xuất để thu hút nhân lực nên cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường càng thấp chưa kể đến thực tế sinh viên cử tuyển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế nên càng khó kiếm được việc làm…

Và dù với nguyên nhân nào đi chăng nữa thì việc để sinh viên cử tuyển thất nghiệp như hiện nay đã và đang gây lãng phí nguồn lực cũng như mất đi ý nghĩa nhân văn của Ðảng, Nhà nước về chế độ đào tạo cử tuyển. Chính vì vậy, cần có giải pháp để sớm giải quyết tình trạng trên, góp phần nâng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong đào tạo cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức đạt trình độ đại học để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top