Nhiều học sinh, sinh viên ra trường chưa có việc làm

08:51 - Thứ Tư, 12/09/2018 Lượt xem: 7711 In bài viết

ĐBP - Mang theo nhiều hoài bão với tấm bằng tốt nghiệp sau khi ra trường, nhưng không ít học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn tỉnh không tìm được việc làm hoặc làm những công việc trái nghề.

Chúng tôi gặp Phạm Gia Thành khi em làm phục vụ tại một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Thành Tâm sự: Nhà em ở xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên), em tốt nghiệp Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên đến nay đã 3 năm. Khi mới ra trường cũng đã đi xin việc làm với mong muốn có đồng lương hoặc tiền công để trả khoản nợ gần 30 triệu đồng gia đình đã vay của Ngân hàng Chính sách xã hội trong những năm em đi học. Dù đã nộp hồ sơ ở rất nhiều nơi trong tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào tiếp nhận. Ðể giúp gia đình, em đã làm nhiều việc như: Chuyển phát đồ, thợ sơn và hiện tại là chạy bàn cho quán cà phê. Mặc dù công việc bấp bênh và thu nhập không ổn định nhưng vẫn hơn là thất nghiệp ở nhà.

 

HSSV nộp hồ sơ xin việc tại Ngày Hội việc làm lần thứ 2, năm 2017.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, em Lò Thị Ban, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) tốt nghiệp Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Ðại học Văn hóa Hà Nội được 2 năm nay, nhưng vẫn chưa xin được việc làm. Trò chuyện với chúng tôi, Ban cho biết: Gia đình em thuộc diện khó khăn, thời điểm em đỗ đại học, cả nhà ai cũng vui mừng, cố gắng vay tiền ngân hàng hơn 40 triệu đồng cho em ăn học. Nhưng đến giờ tiền vay vẫn chưa trả hết, việc làm đúng chuyên môn cũng chưa có. Ðể trả nợ em đã nộp hồ sơ làm nhân viên bán hàng cho một siêu thị ở thành phố.

Những trường hợp như Thành, Ban cũng là tình cảnh chung của rất nhiều HSSV trên địa bàn tỉnh đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học hay trung cấp chuyên nghiệp nhưng không tìm được việc làm. Theo thống kê của Sở Nội vụ, tính đến năm 2017 toàn tỉnh có trên 6.000 HSSV tốt nghiệp trung cấp trở lên chưa có việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo, trong đó hệ đại học trên 870 người, cao đẳng hơn 2.330 người, trung cấp trên 2.860 người. Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Trịnh Hoàng Thắng, Trưởng phòng Công chức - Viên chức (Sở Nội vụ) cho biết: Trên thực tế, HSSV tốt nghiệp không có việc làm đang là thực trạng chung trên cả nước. Riêng ở khối các cơ quan Nhà nước hiện nay, việc tuyển dụng mới gần như “khép lại” vì thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, kết quả tuyển dụng vào cơ quan hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh là 689 người, trong khi bình quân mỗi năm các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Y, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật có khoảng 2.000 HSSV tốt nghiệp, chưa kể những sinh viên đào tạo tại các trường chuyên nghiệp trên toàn quốc với nhiều loại hình đào tạo, chuyên ngành khác nhau.

Nhu cầu tuyển dụng tại các cơ quan Nhà nước không đáp ứng được với nhu cầu đào tạo của xã hội, trong khi “kênh” việc làm tại các doanh nghiệp cũng rất khó khăn bởi trên địa bàn tỉnh không có các nhà máy hay khu công nghiệp. Các doanh nghiệp tư nhân cũng chỉ giải quyết được việc làm cho một số ít lao động. Bởi vậy, lựa chọn cuối cùng của nhiều HSSV là tìm đến những công việc lao động phổ thông để tránh tình cảnh thất nghiệp.

Thực tế cho thấy, nhiều năm liền học sinh đăng ký ồ ạt vào học các ngành kế toán, tài chính, y, sư phạm, công nghệ thông tin… Bởi vậy, đến nay hầu hết các ngành nghề này đã bão hòa trong thị trường lao động, tạo ra mâu thuẫn lớn giữa cung và cầu. Ðiển hình trên địa bàn tỉnh hiện có: trên 2.100 HSSV ngành Sư phạm; gần 1.400 HSSV ngành Y; trên 500 HSSV ngành Kinh tế… chưa có việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo. Qua đó cho thấy, việc lựa chọn ngành nghề học tập phải gắn với nhu cầu thực tế xã hội để tránh lãng phí. Không nhất thiết phải học đại học mà có thể lựa chọn đi học nghề ít chi phí, song dễ tìm được việc làm hơn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có gần 14.300 lao động có việc làm mới, trong đó có hàng nghìn lao động học nghề xong đã đi làm việc tại những khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước với mức thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng HSSV tốt nghiệp khi ra trường không tìm được việc làm thì quan trọng nhất là công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước mỗi kỳ tuyển sinh. Các em cần xác định được hướng đi đúng trong việc chọn trường, chọn nghề, đặc biệt phải lựa chọn những ngành nghề học phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân và nhu cầu nhân lực của địa phương. Như vậy, vừa tránh được sự lãng phí về thời gian, tiền bạc, vừa tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top