Mường Nhé nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

08:44 - Thứ Tư, 26/09/2018 Lượt xem: 8864 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Nhé có 38 trường học ở cả 3 cấp, 637 lớp, 15.587 học sinh với tổng số 659 phòng học. Sau những năm chia tách thành lập huyện, mặc dù ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện nỗ lực để xây dựng thành công 13 trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia theo đúng lộ trình, huyện Mường Nhé vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền địa phương và trước nhất là sự chung tay góp sức của người dân.

 

Tiết học của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Mường Nhé.

Nằm ở trung tâm huyện, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Mường Nhé thành lập năm 1999 và được biết đến là cái “nôi” đào tạo, chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học trò các dân tộc vùng cao. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, với sự nỗ lực của thầy và trò, năm 2015 Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Ðó là bước đệm vững chắc để Trường tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Trần Hoàng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Mường Nhé, cho biết: Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhà trường gặp nhiều khó khăn từ hệ thống cơ sở vật chất, đồ dùng giảng dạy đến chất lượng đội ngũ giáo viên... Hiện nay, nhà trường có 25 lớp, 805 học sinh (526 học sinh bán trú). Theo lộ trình đến năm 2020, Trường thẩm định lại chuẩn quốc gia, nhưng đến nay vẫn còn thiếu 3 phòng học chức năng; hệ thống cơ sở vật chất (phòng ở bán trú, một số lớp học, công trình phụ…) đã xuống cấp. Ðặc biệt, số lượng giáo viên còn thiếu (10 giáo viên) nên rất khó khăn trong công tác giảng dạy, nhiều giáo viên phải dạy tăng giờ, không đảm bảo chất lượng chuyên môn. Dẫn tới việc duy trì chuẩn quốc gia gặp khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành.

Thầy Phan Văn Uyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé, cho biết: Tuy các trường cơ bản đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ phòng học tạm cao; hầu hết các trường thiếu phòng học chức năng; trường mầm non, tiểu học có nhiều lớp ghép, điểm bản xa, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trước thực trạng đó, xác định xây dựng trường chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, do vậy Phòng Giáo dục và Ðào tạo đã tham mưu cho UBND huyện; đề nghị các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng trường chuẩn quốc gia; đưa nội dung xây dựng trường chuẩn vào nghị quyết HÐND các cấp và quy hoạch tổng thể phát triển theo từng giai đoạn. Ðồng thời, Phòng cũng chủ động khảo sát, đánh giá thực trạng về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị xác định mục tiêu ưu tiên từng tiêu chí để đầu tư và hoàn thiện.

Tuy nhiên, đối với huyện Mường Nhé, quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia còn khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân; một số đơn vị trường học chưa chủ động xây dựng đề án. Các điểm trường xa trung tâm, giao thông chia cắt, dân cư không tập trung, đặc biệt là tình trạng di dịch cư tự do dẫn tới tính chuyên cần của học sinh chưa cao, còn tình trạng bỏ học. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên còn thiếu chưa đảm bảo theo định mức quy định nhất là giáo viên mầm non và nhân viên phục vụ để tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú…

Ðể đạt mục tiêu đến năm 2020, ngành phấn đấu đạt 16 trường chuẩn quốc gia. Do vậy, để “tháo gỡ” những khó khăn cho các trường trọng điểm, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia; nhất là các trường duy trì chuẩn và phấn đấu đạt mới theo từng năm, từng giai đoạn. Ðồng thời, bổ sung đội ngũ giáo viên còn thiếu; cử giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; huy động tối đa học sinh ra lớp, thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Ðặc biệt, đẩy mạnh việc tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp; ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của nhà trường - gia đình - xã hội nhằm chung tay xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top