Huyện Tủa Chùa

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

09:52 - Thứ Sáu, 28/09/2018 Lượt xem: 9063 In bài viết

ĐBP - Huyện Tủa Chùa hiện có 42 đơn vị trường thuộc 3 bậc học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Ðào tạo quản lý. Năm học 2018 - 2019, có 15.654 học sinh, trong đó 14.360 học sinh là người dân tộc thiểu số (chiếm 91,7%). Trong đời sống sinh hoạt gia đình và tại cộng đồng dân cư người dân tộc thiểu số (DTTS), các thành viên ít sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, vì vậy con em họ ít có điều kiện giao tiếp trau dồi tiếng Việt. Vốn từ tiếng Việt của học sinh người DTTS nghèo nàn, nói, phát âm, đọc bài trên lớp chưa chuẩn. Trong bài viết chính tả, tập làm văn của học sinh các lớp 1, 2, 3 các em thường phát âm thế nào thì viết vào vở như vậy. Ðây là lỗi chính tả trong giáo dục. Khả năng nói chuyện, sử dụng tiếng Việt của học sinh tiểu học người DTTS, đặc biệt học sinh các trường vùng sâu, vùng xa còn yếu, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Do đó, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS bậc mầm non và tiểu học cần được các trường và Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện quan tâm chú trọng. Coi đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, nâng cao dân trí trên địa bàn.

Ông Ðặng Quang Diễn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa, cho biết: Những năm qua, đơn vị đã chủ động tích cực tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình Ðề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS” giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trường học nghiên cứu triển khai thực hiện Ðề án hiệu quả. Hiện, 16/16 trường tiểu học trong huyện tổ chức tuyên truyền phổ biến nhiều đợt nội dung của Ðề án tới phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, học sinh. Các trường có nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học, như: truyền thông đi học chuyên cần, phòng chống tai nạn thương tích, quyền trẻ em, giao lưu tiếng Việt, các trường đều có “Góc hoạt động tiếng Việt”, tổ chức ngày hội đọc sách, các hoạt động giáo dục ngoài trời, hoạt động văn hóa, thể thao... Các trường cũng khuyến khích, động viên học sinh DTTS trong giờ học chính khóa cũng như trong sinh hoạt bán trú, ở cộng đồng dân cư nên giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt. Tổ chức thường xuyên dạy học 2 buổi/ngày, nâng cao kiến thức đồng thời là dịp để học sinh DTTS giao tiếp tiếng Việt với thầy cô giáo và bạn bè. Ngoài ra, học sinh lớp 1 đang học môn tiếng Việt 350 tiết/tuần được học tăng lên 504 tiết/tuần. Phòng phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng tăng cường tiếng Việt. Bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho 353 cán bộ, giáo viên đang công tác tại các trường vùng đồng bào DTTS. Bồi dưỡng tiếng Việt cho hơn 1.000 phụ huynh học sinh người DTTS. Các trường: Tiểu học thị trấn Tủa Chùa, PTDT bán trú Tiểu học Mường Báng số 1 (xã Mường Báng) là 2 đơn vị trường tiêu biểu trong thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh là người DTTS. Em Sùng A Tú, dân tộc Mông, học sinh lớp 3 Trường PTDT bán trú Tiểu học Mường Báng số 1, tâm sự: Nhờ được ở bán trú tại trường và học tập 2 buổi/ngày, em có điều kiện giao lưu và nói tiếng Việt nhiều hơn, nên có kết quả học tập tốt.

Ðẩy mạnh công tác truyền thông cũng như huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, phụ huynh học sinh; tăng cường bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ học sinh là người DTTS, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo nhà ở bán trú cho các nhà trường có học sinh DTTS. Các hoạt động trên đã góp phần thực hiện thành công Ðề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS” trên địa bàn huyện Tủa Chùa.

Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top