Gắn kết nhà trường - doanh nghiệp trong dạy nghề

16:07 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 6163 In bài viết
Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và tạo việc làm bền vững cho người lao động, sự liên kết này được kỳ vọng sẽ đem lại những bứt phá mới trong giáo dục nghề nghiệp. Trong những năm qua, sự liên kết này đã đạt những kết quả bước đầu; tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ.

 

Học viên Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) tại xưởng thực hành cơ khí chế tạo.

Mối liên kết còn lỏng lẻo

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) “bắt tay” cùng doanh nghiệp không phải là câu chuyện mới, nhưng mối quan hệ giữa hai bên chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả việc gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp, từ công tác tuyển sinh, đào tạo, thực tập đào tạo, thực hành sản xuất, đến tuyển dụng và sử dụng lao động... được kỳ vọng sẽ đem lại sự đột phá mới trong GDNN.

Đánh giá việc triển khai hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề, PGS, TS Mạc Văn Tiến, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục GDNN) cho rằng: Trong thời gian dài, mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo. Chúng tôi vẫn hình dung đó là hai con thuyền khác nhau: “con thuyền đào tạo” và “con thuyền sử dụng” đi song song. Nhà trường thì đánh giá doanh nghiệp không gắn với nhà trường thì làm sao đào tạo đúng, giống ý doanh nghiệp được. Còn doanh nghiệp thì cho rằng công tác đào tạo kém, lao động không sử dụng được, phải đào tạo lại. Hiện nay, trong Luật GDNN, đã có quy định hướng tới việc nhà trường và doanh nghiệp đi trên một con thuyền, mục đích đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, nhưng thực tế việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn...

Được biết, hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở GDNN, trong đó gần 400 trường cao đẳng, hơn 550 trường trung cấp, và gần 1.000 trung tâm (cơ sở GDNN cấp huyện), trong đó phần lớn là trường công lập. Đã có nhiều trường đạt được mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn, nhưng phần lớn, mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ và không bền vững. Sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động dạy nghề còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường còn lỏng lẻo (cả về trách nhiệm và quyền lợi), cho nên trên thực tế, các trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình, chứ chưa đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp.

Trên diện rộng, không ít doanh nghiệp không mặn mà với các trường vì lý do cơ bản là: Thời gian, thủ tục hành chính, kinh phí, sự không quan tâm đến vấn đề này. Đây là khó khăn, cũng là thách thức cho các cơ sở GDNN khi tiếp cận doanh nghiệp để thuyết phục doanh nghiệp hợp tác. Việc thiếu kỹ năng trong quan hệ với doanh nghiệp cũng là trở ngại để các cơ sở GDNN kết nối với doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường chưa thật sự hiệu quả, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức Nguyễn Thị Lý cho rằng: Đến nay, các chương trình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp của trường chưa đạt kết quả như mục đích ban đầu. Mặc dù cơ sở GDNN đã tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất trong quá trình hợp tác cùng doanh nghiệp, nhưng việc mở rộng chương trình đào tạo kép vẫn gặp nhiều trở ngại. Doanh nghiệp đòi hỏi năng lực làm việc thực tế của sinh viên thực tập, cũng như cần sự kết nối lâu dài từ các chương trình cụ thể. Trong khi đó, chương trình đào tạo hiện hành không cho phép các trường gửi sinh viên đi thực tập quá lâu. Nhiều yếu tố ràng buộc khác cũng khiến trường chưa thể triển khai đồng bộ việc đào tạo kép cho toàn bộ chương trình đào tạo...

Đẩy mạnh hợp tác hai bên cùng có lợi

Năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định là năm chuyển đổi mạnh mẽ về GDNN, trong đó đào tạo nghề cần gắn với doanh nghiệp và tạo việc làm bền vững cho người lao động. Theo Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân, cả doanh nghiệp và nhà trường cần nhìn nhận rõ mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi (win - win) để cùng “thắng”. Việc hợp tác với nhà trường sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều vấn đề như: Có nguồn nhân lực ổn định, có năng lực phù hợp ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp; đồng thời, doanh nghiệp giải quyết được nhiều bài toán về chi phí đào tạo, xây dựng giáo trình và các chi phí khác, nhất là ở một số lĩnh vực cần đầu tư nhiều trang thiết bị tốn kém. Khi hợp tác với các trường là đã có sự quan tâm, đầu tư và sử dụng chung cơ sở vật chất tốt để đào tạo, huấn luyện... Các trường đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp từ đầu vào tới đầu ra, đào tạo gắn thực hành sẽ chủ động cung cấp nhân lực tốt nhất cho doanh nghiệp.

“Hiện nay, tại Việt Nam đã có những mô hình điểm và có nhiều nhà trường có sự gắn kết tốt với doanh nghiệp. Tôi tin rằng hướng đi đó sẽ khắc phục được những hạn chế trong vòng 5 năm tới, vì đó là thông lệ quốc tế. Tất cả các trường dạy nghề đều có nhu cầu hợp tác với doanh nghiệp và phần lớn các doanh nghiệp cũng có nhu cầu quay ngược lại hợp tác với nhà trường, vì đây là hợp tác win - win, hai bên cùng có lợi, chứ không phải là hợp tác trách nhiệm xã hội theo kiểu hô hào khẩu hiệu” - Thứ trưởng Lê Quân khẳng định.

Như Trường cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, để đón đầu xu thế đổi mới, 5 năm gần đây, nhà trường đã triển khai thực hiện các chương trình liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ (đào tạo theo đơn đặt hàng) thông qua việc ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Từ năm 2012, trường đã đào tạo qua “đặt hàng” 800 lao động theo Đề án Phát triển nguồn lao động kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với các nghề: Cắt gọt kim loại; cơ điện tử và chế tạo khuôn mẫu. Bắt đầu từ năm 2014, nhà trường kết nối và đào tạo theo đặt hàng của Công ty Rosneft Việt Nam và các nhà đầu tư dầu khí Lô 06.1, với kinh phí 50 nghìn USD mỗi năm cho đào tạo nghề hàn 6G và điện công nghiệp nâng cao. Kết quả đào tạo, đã có 200 học viên hoàn thành khóa học và có việc làm ngay sau tốt nghiệp. Ngoài ra, trường đào tạo theo “đơn đặt hàng” của một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo và cung ứng lao động cho doanh nghiệp ở các nghề trọng điểm như: Hàn, công nghệ ô-tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Mô hình liên kết đào tạo, đào tạo theo “đơn đặt hàng” đã thật sự tạo ra giá trị lợi ích cho cả ba bên: Nhà trường - doanh nghiệp - học viên. Trong sáu tháng đầu năm 2018, nhà trường đón tiếp 15 đoàn doanh nghiệp nước ngoài, chủ yếu là doanh nghiệp Nhật Bản đến khảo sát nguồn nhân lực và xây dựng quan hệ hợp tác về liên kết đào tạo và cung ứng nhân lực; 70 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam (doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài) muốn tuyển sinh viên tốt nghiệp từ trường. Từ năm 2014, hơn 500 sinh viên được trường giới thiệu thành công vào làm việc tại 40 doanh nghiệp Nhật Bản... Trung bình trong ba năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) của trường khi tốt nghiệp có việc làm đạt 90%.

Chủ tịch Hội đồng Trường cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn Ngô Xuân Thủy cho rằng, việc xác định kết nối doanh nghiệp là hết sức cần thiết để có thể hỗ trợ nhà trường trong đào tạo. Hiện, hằng tháng, trường thường xuyên đưa HSSV đến thực tập tại các doanh nghiệp lớn như: Ô-tô Trường Hải; các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa, các nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất... Nhà trường và doanh nghiệp cùng ký kết hỗ trợ trong đào tạo, thực tập, đánh giá và quản lý HSSV. Bên cạnh đó, HSSV của trường khi tham gia thực tập tại doanh nghiệp đều được hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở và thù lao theo ngày công. Nhà trường còn được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí tính theo ngày công của học viên, xem như hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nhà trường. Cùng với đó, trường cũng thường xuyên mời doanh nghiệp tham gia xây dựng, thẩm định chương trình đào tạo để chương trình, giáo trình đào tạo được cập nhật, sát thực tế và ngày càng hoàn thiện hơn...

Đáng chú ý, ngày 15-12-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH “Quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”, đẩy mạnh hợp tác chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu xã hội giữa các trường cao đẳng, trung cấp và doanh nghiệp; trong đó quy định nhà trường và doanh nghiệp có thể liên kết tổ chức đào tạo. Doanh nghiệp đảm nhận 40% chương trình đào tạo, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần, các mô-đun thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các mô-đun kỹ năng nghề tại doanh nghiệp cho học viên. Với quy định này, các trường có thêm cơ sở để chủ động kết nối, xây dựng quan hệ hợp tác doanh nghiệp trong liên kết đào tạo và đào tạo đặt hàng trong thời gian hiện tại và sắp tới.

Tăng cường cơ chế giám sát và có chính sách hỗ trợ

Có thể thấy, để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ngày càng nhiều biến động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thì mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp.

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân khẳng định, để đáp ứng tốt nhu cầu về nhân lực có chất lượng cao, thời gian tới, đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng người lao động có tay nghề cao thì chính họ phải là người tham gia sâu nhất vào quá trình đào tạo nghề đó. Vì vậy, nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhất nhằm xây dựng, phát triển mối gắn kết bền vững này.

Về vấn đề này, PGS,TS Trần Ngọc Tính, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Viglacera đề xuất, về phía nhà trường cần xây dựng bộ phận có trách nhiệm xúc tiến các mối quan hệ với doanh nghiệp, liên tục, kịp thời đáp ứng các yêu cầu về đào tạo hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Để gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, các trường cần tự nâng cao năng lực đào tạo; việc xây dựng chuẩn đầu ra cho người học cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng chương trình khung giảng dạy, biên soạn và cải tiến giáo trình giảng dạy phù hợp... Về phía doanh nghiệp, cần có kế hoạch cụ thể và lâu dài trong việc phát triển nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ với nhà trường. Hằng năm, doanh nghiệp cần có thống kê nhu cầu sử dụng lao động mới, cũng như nhu cầu đào tạo lại để cơ quan nhà nước thống kê, làm cơ sở thông tin cho các trường tổ chức tuyển sinh, xây dựng chương trình và có kế hoạch đào tạo... Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ tài chính, cũng như cơ sở vật chất bằng các hình thức như: Hỗ trợ học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học. Mặt khác, doanh nghiệp có thể hỗ trợ tài chính cho nhà trường bằng việc thành lập các công ty, khu công nghệ, khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập...

Tổng Cục trưởng GDNN Nguyễn Hồng Minh cho biết, theo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2012 - 2020, hệ thống GDNN sẽ đào tạo khoảng 88% số nhân lực qua đào tạo của nền kinh tế quốc dân. Việc kết nối với doanh nghiệp, đào tạo gắn với doanh nghiệp là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng GDNN. Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Tổng cục GDNN đã ký các chương trình phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); các hiệp hội như: GDNN và nghề công tác xã hội, Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Du lịch, Bán lẻ, Doanh nghiệp trẻ,…; các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để làm tiền đề, thúc đẩy hợp tác giữa các trường với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các cơ sở GDNN đã ký các chương trình hợp tác và hợp đồng đặt hàng đào tạo với doanh nghiệp.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách vĩ mô và cơ chế giám sát đối với cả nhà trường và doanh nghiệp về lĩnh vực nêu trên. Đối với nhà trường, cần công khai các hoạt động gắn kết, hiệu quả gắn kết, các bên tham gia, các bên hưởng lợi; những trường để HSSV thất nghiệp tỷ lệ cao thì cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh, có cơ quan quản lý nhà nước giám sát... Đồng thời, Nhà nước cũng cần sớm ban hành cơ chế bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia đóng góp vào đào tạo nhân lực, có chính sách ưu đãi về tài chính, thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo với cơ sở GDNN, nhất là lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp mà xã hội cần, những lĩnh vực Nhà nước “đặt hàng”.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top