Chính sách thiết thực với học sinh có hoàn cảnh khó khăn

09:30 - Thứ Sáu, 12/10/2018 Lượt xem: 8503 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên Ðông đã triển khai thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú của Ðảng và Nhà nước. Qua đó, tạo điều kiện cho hàng nghìn học sinh yên tâm học tập, hạn chế tình trạng bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

 

Bữa ăn của học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm.

Thực hiện Nghị định số 116/2016/NÐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học xã Keo Lôm đã tuyên truyền, phổ biến chính sách đến toàn thể học sinh thuộc diện được hỗ trợ. Nhờ có chính sách này, học sinh nghèo ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã có cơ hội được đến trường học tập và rèn luyện. Em Giàng Thị Mai, bản Huổi Múa C, xã Keo Lôm, cho biết: “Gia đình em nghèo, có 4 anh chị em, cuộc sống chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp nên việc học tập của em gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ được hỗ trợ gạo và tiền ăn, ở trường được các thầy cô giáo quan tâm nên em rất thích đi học”. Còn em Ly A Sếnh, bản Suối Lư III, xã Keo Lôm chia sẻ: “Nhà em nghèo, nếu không được hỗ trợ thì em đã nghỉ học ở nhà giúp bố mẹ”.

Thầy Vũ Xuân Ðinh, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm, cho biết: Thực hiện Nghị định 116, năm học 2016 - 2017, nhà trường có 180 học sinh thuộc đối tượng hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 784 triệu đồng và 24.300kg gạo; năm học 2017 - 2018, tổng số học sinh bán trú tăng lên 203 học sinh, vì vậy tổng kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng và gần 27.500kg gạo. Nhờ chính sách này mà học sinh bán trú được ăn 3 bữa/ngày có đủ thịt, cá, rau... sức khỏe được đảm bảo nên phụ huynh yên tâm cho con mình đến trường. Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho học sinh, Nghị định 116 còn hỗ trợ nhà trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Trường PTDTBT Tiểu học Keo Lôm chỉ là một trong số nhiều trường học trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông được thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Ông Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 27 trường PTDTBT với hơn 6.000 học sinh thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 116. Ðể hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời, Phòng đã rà soát, lập danh sách học sinh có đủ điều kiện để được hỗ trợ gạo và tiền ăn; tổ chức tiếp nhận, bảo quản số gạo khi được cấp phát, tránh tình trạng hư hỏng, ẩm mốc. Từ khi thực hiện Nghị định 116 ( từ năm 2016 đến nay), Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện đã được phân bổ hơn 11 tỷ đồng và hàng trăm nghìn tấn gạo để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh, nhà trường. Chúng tôi thấy đây là chính sách phù hợp, thiết thực, đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng theo ông Cù Huy Hoàn, sau khi triển khai thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, học sinh ở các điểm trường và các trường bán trú trên địa bàn huyện tích cực đến trường hơn, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Nếu như trước đây, học sinh giỏi chỉ tập trung ở khu vực trung tâm huyện hoặc những nơi có điều kiện, thì những năm gần đây học sinh giỏi đã có tại tất cả các trường trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện luôn đạt ở mức cao, năm học 2017 - 2018, tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100% (tăng 1,12% so với năm học trước); tỷ lệ huy động học sinh tiểu học ra lớp đạt 100%; tỷ lệ huy động học sinh cấp trung học cơ sở ra lớp đạt 94,7%.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top