Phải luật hóa việc học tập suốt đời

10:38 - Thứ Tư, 31/10/2018 Lượt xem: 7629 In bài viết

Chúng ta vẫn phát triển kinh tế dựa vào lao động giản đơn và khai thác tài nguyên đến cạn kiệt trong một thời gian dài, rồi dần tụt hậu so với nhiều nước. Giải pháp nào để Việt Nam thoát khỏi sự bất cập này?

Đây là câu hỏi chung được các chuyên gia mổ sẻ tại hội thảo “Vai trò của các trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn”, do Bộ GD-ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 30-10. 

 

GS-TS Phạm Tất Dong cho rằng trường ĐH có sứ mạng đem lại học vấn cao cho những ai có nhu cầu.

Xu hướng đại học mở

Mức độ tiếp cận giáo dục đại học (GDĐH) có thể được coi là chỉ số quan trọng của một nền giáo dục mở. Dựa trên tỷ lệ tổng quy mô sinh viên ĐH (Gross enrolment ratio - GER) gần nhất, công bố hồi năm 2015, nền GDĐH thế giới nói chung đang ở giai đoạn cuối của GDĐH đại chúng, với giá trị GER trung bình là 36%. Con số này ở Trung Quốc là 43% và Thái Lan là 49%. Điều này cho thấy, các quốc gia láng giềng của chúng ta đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn GDĐH phổ cập. Các nước như Mỹ (tỷ lệ GER là 86%), Hàn Quốc (93%) đang ở giai đoạn cuối của GDĐH phổ cập. Nhìn chung, mức độ tiếp cận GDĐH trên thế giới có xu thế tăng nhanh và nhiều quốc gia phát triển có nền GDĐH gần như mở hoàn toàn. 

GS-TS Nguyễn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, dẫn chứng: ĐH mở như là hình thức đặc trưng ban đầu của giáo dục mở, xuất hiện từ năm 1969 với sự thành lập ĐH mở tại Anh quốc. Đến nay, toàn thế giới có 68 trường ĐH mở trên tất cả các châu lục, trong đó châu Á có số lượng nhiều nhất với 43 trường, châu Âu 11 trường, châu Mỹ 6 trường. Mô hình sư phạm phổ biến của trường ĐH mở gồm: Áp dụng học tập mở từ xa, cho phép người học học theo thời gian của bản thân; có nguồn học liệu chất lượng, bao gồm các tài liệu in, sách giáo khoa, tài liệu nghe nói và video… Quy mô trường ĐH mở thường rất lớn, từ hàng trăm ngàn tới hàng triệu sinh viên.

GS-TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, cho biết: Tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập đã được quan tâm và triển khai ở tầm quốc gia. Đơn cử như tư tưởng nhà trường tư duy, quốc gia học tập được Thủ tướng Singapore tuyên bố vào năm 1997, hình dung một nền văn hóa quốc gia và môi trường xã hội thúc đẩy học tập suốt đời ở công dân Singapore. Hay, bản sửa đổi Luật Giáo dục quốc gia 2017-2036 của Thái Lan, xác định khung chính sách giáo dục là nền tảng tạo ra cơ hội giáo dục cho tất cả mọi người trong suốt cuộc đời họ.

Ông Trương Tiến Tùng, Viện ĐH Mở Hà Nội, cho biết:

Việt Nam mỗi năm có khoảng gần 1 triệu thanh niên tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của cả nước chỉ đáp ứng 50%, vào khoảng 500.000. Bên cạnh những người chưa có trình độ ĐH, thì những người đã có trình độ ĐH cũng rất cần những chuyển đổi, thay đổi ngành nghề làm việc do sự tiến bộ của xã hội, của cơ cấu nền kinh tế, của đặc thù vùng miền nơi đang sinh sống. Như vậy, số người lớn đang đi làm hoặc đã nghỉ làm có nhu cầu tiếp cận GDĐH là rất lớn, ước khoảng 65% dân số ở độ tuổi người lớn.

Vai trò của trường ĐH 

Ở Việt Nam, xây dựng xã hội học tập đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Các chủ trương, chính sách về xây dựng xã hội học tập đã được thể chế hóa. Có thể kể đến các quyết định của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định 112 phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”; Quyết định 89 phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”; Quyết định 281 phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. 

Về mặt tiếp cận GDĐH, mãi đến năm 2004 Việt Nam mới chính thức kết thúc giai đoạn “GDĐH tinh hoa” và bước sang giai đoạn “GDĐH đại chúng”, với chỉ số GER là 15%. Từ thời điểm đó tới nay, cùng với xu thế chung của thế giới, chỉ số này được tăng dần, tuy nhiên khá chậm, chỉ gần 29%. Đến năm 1993, Việt Nam có 2 trường ĐH mở được thành lập ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, sự phát triển của ĐH mở còn một số thách thức như chưa tiếp cận với trình độ quốc tế, quy mô không lớn nên chưa nâng cao mức độ tiếp cận GDĐH… GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, phân tích: “Việc học tập suốt đời không dừng lại ở mức đạt trình độ học vấn phổ thông, mà là trình độ ĐH, cho nên, trường ĐH có sứ mạng đem lại học vấn cao cho những ai có nhu cầu”. 

GS-TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhấn mạnh: “Trước yêu cầu của nền kinh tế tri thức, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, là chìa khóa của mọi thành công. Các trường ĐH phải phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập suốt đời của mọi đối tượng. Muốn vậy, việc học tập suốt đời phải được cụ thể bằng luật, đưa ngay vào quy định của Luật Giáo dục và Luật GDĐH. Bộ GD-ĐT cũng phải “mở” bằng các quy định cụ thể để tạo điều kiện cho các trường phát triển và phục vụ nhu cầu học tiếp cận GDĐH của xã hội. Các trường ĐH phải đẩy mạnh việc mở các khóa học trực tuyến không có yêu cầu đầu vào chính thức, không có giới hạn về sự tham gia và phải miễn phí để mọi người có thể tham gia”.
P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top