Ðưa những “chuyến đò” cập bến

09:22 - Thứ Hai, 19/11/2018 Lượt xem: 8406 In bài viết

ĐBP - Những người làm công tác giáo dục tại tỉnh miền núi như Ðiện Biên đã và đang trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ từ đường sá, cơ sở vật chất trường lớp đến điều kiện sống, nhận thức người dân… Ðể mang con chữ đến với học trò và bám trụ nơi bản xa, rừng vắng, các thầy, cô giáo mang trong mình nhiệt huyết, lòng yêu nghề.

 

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non An Bình, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo). Ảnh: Nguyễn Hiền

Hơn 15 năm gắn bó với nghề giáo, cô Bùi Thị Lĩnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Bình, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo) dành cả tuổi thanh xuân cho công tác giáo dục vùng cao. Những gian khổ, khó khăn mà cô đã trải qua không sao kể hết, nhưng cô nhớ nhất là thời điểm năm 2009 khi Trường Mầm non An Bình vừa chia tách từ Trường Mầm non Mường Mùn. Cô cùng 5 cán bộ, giáo viên khác được giao nhiệm vụ dựng xây trường, đón học sinh 5 bản vùng xa của xã. Nhận nhiệm vụ trong hoang mang bởi mọi thứ đều phải bắt đầu từ con số 0 (không mặt bằng, không nhà lớp học, phụ huynh không cho con em đến trường…). Nhà trường phải vận động, xin được một mảnh đất nhỏ là nương của người dân, rồi cả giáo viên và bà con cùng san đất, dựng lớp học tạm. 2 tháng đầu mượn nhà văn hóa bản làm nơi dạy học, giáo viên thay nhau đứng lớp, người không có tiết thì xắn tay san nền đất, lấy gỗ, đan liếp, dựng nhà. Có trường trung tâm rồi, nhà trường lại tiếp tục xin đất làm điểm trường tại các bản. Ban đầu các điểm trường đều là nhà tạm, sau mỗi mùa mưa bão, lớp học nào cũng tan hoang, cần phải sửa chữa, giáo viên nhà trường hầu hết là nữ nhưng đã tự tay làm mọi việc không kém đấng mày râu. Các cô còn chủ động xin tài trợ, kết nối với các tổ chức, cá nhân thiện nguyện để hỗ trợ bữa ăn và xây nhà lớp học cho các em. Nhờ những nhiệt huyết ấy, gian khó dần đi qua. Ðến nay, trường có 1 trường trung tâm và 3 điểm trường ở bản, đều được xây dựng kiên cố. Giáo viên nhà trường được người dân quý mến, tin tưởng giao con em mình nhờ chăm lo, dạy dỗ. Ðó là động lực để giúp các thầy, cô bám trường, bám lớp, vượt khó khăn để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.

Không chỉ cô Lĩnh và cán bộ, giáo viên Trường Mầm non An Bình mà những vất vả ấy hiển hiện ở hầu hết các địa bàn vùng cao trên địa bàn tỉnh. Và khó khăn đầu tiên khi bắt đầu hành trình gieo chữ chính là giao thông cách trở. Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 530 trường, 7.326 lớp, 195.090 học sinh, sinh viên. Ðường đến trường ở nhiều xã vùng cao, biên giới, đặc biệt là đến điểm trường các bản cách xa trung tâm vẫn là đường đất, sống trâu, nhỏ hẹp. Một số địa bàn ở huyện Nậm Pồ, Mường Nhé còn thường xuyên bị sạt lở, khiến giao thông chia cắt. Thời điểm chuẩn bị năm học mới thường trùng với mùa mưa lũ. Thầy cô phải đội mưa, vượt lũ trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, đi từng bản, từng nhà vận động trẻ, đón học trò đến lớp. Hình ảnh các thầy, cô giáo lấm lem bùn đất; xe lún trong vũng lầy, cả buổi chỉ di chuyển được vài cây số, rồi trơn trượt, ngã xe chầy xước… đã không còn xa lạ trước mỗi mùa tựu trường. Thậm chí nhiều bản chưa có đường xe vào hoặc chưa có cầu qua suối, giáo viên phải đi bộ len rừng, vượt suối hàng tiếng đồng hồ để đến điểm trường, như bản Púng Trạng (xã Mường Tùng, huyện Mường Chà), Huổi Hạ (xã Na Sang, huyện Mường Chà), Huổi Xúc (xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé)… Ðể hoàn thành sứ mệnh gieo chữ, họ không chỉ đổ mồ hôi, nước mắt mà còn đối mặt với nguy hiểm bởi một bên là núi cao, bên là vực thẳm và xem những vất vả, hiểm nguy ấy là chuyện thường ngày.

Ðường đến trường, đến với các em học sinh gian nan là vậy, cuộc sống nơi vùng cao của các thầy cô cũng nhiều khó khăn không kể hết. Toàn tỉnh có 176 trường mầm non cùng 882 điểm trường lẻ (1.371 lớp) tại các thôn, bản xa trung tâm; 173 trường tiểu học với 602 điểm trường (982 lớp). Trong đó có nhiều điểm bản chưa có nhà lớp học kiên cố, chưa có điện... Nhiều giáo viên phải chấp nhận ở những gian nhà tạm không đủ chắc chắn mỗi khi mưa to gió lớn, soạn bài dưới ngọn đèn dầu leo lét, cuối tuần nếu nắng ráo mới có thể ra trung tâm, về với gia đình. Và mỗi chiều chủ nhật quay lại trường lại mang theo đủ thứ đồ, nào là lương thực thực phẩm, rồi cả bút, mực, sách vở cho học trò, quần áo ấm (xin được từ người thân, bạn bè, nhà hảo tâm) cho em nhỏ, thuốc thang cần thiết cho dân bản…

Cô Cà Thị Thoa, Trường Mầm non Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) nhiều năm dạy học tại điểm bản Xá Tự, cách trung tâm xã 15km. Cô ở tại điểm trường, coi đây như nhà, bà con dân bản như người thân. Cô kể, bản Xá Tự ở vị trí cao nên mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Ðường đến bản cheo leo, mỗi lần đến bản mất cả buổi đi bộ mà vẫn không xua tan được cái lạnh. Cuộc sống tại Xá Tự còn nhiều thiếu thốn bởi chưa có điện, không hàng quán nhưng người dân rất thân thiện, chân thành nên mỗi khi bước chân mỏi cô lại có thêm động lực tiếp tục hành trình gieo chữ.

Toàn tỉnh hiện có 16.228 người làm trong ngành giáo dục. Ở mỗi địa bàn, công tác giáo dục lại có khó khăn đặc thù riêng, đặc biệt là tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi thường gọi vui các giáo viên nơi đây là “cô gió”, bởi bản lĩnh vượt qua mọi gian khó vùng cao. Nhưng không phải ai cũng biết, nhiều người trong số họ từng được bao bọc, sống đủ đầy, yên ấm. Bằng tình yêu con trẻ, khát vọng cống hiến, say mê với nghề, họ đã tự rèn dũa mình trở nên cứng cỏi, là người giáo viên vững vàng đưa những “chuyến đò” cập bến.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top