Cần thêm những cô nuôi dạy trẻ

09:24 - Thứ Tư, 21/11/2018 Lượt xem: 10985 In bài viết

ĐBP - Năm học 2018 - 2019, huyện Mường Nhé còn thiếu 400 biên chế giáo viên, tập trung chủ yếu ở cấp học mầm non với hơn 200 giáo viên. Việc thiếu giáo viên mầm non đứng lớp không chỉ gây khó khăn cho việc dạy học, chăm lo cho trẻ, mà còn ảnh hưởng nhiều tới công tác huy động học sinh ra lớp và chất lượng giáo dục vùng cao.

 

Cô giáo Trường Mầm non Mường Toong chuẩn bị cho học sinh nghỉ trưa.

Chúng tôi tới Trường Mầm non Mường Toong, xã Mường Toong vào buổi trưa. Tại lớp mẫu giáo lớn, cô giáo Lò Thu Hà đang chuẩn bị chăn, gối cho 25 cháu ngủ trưa. Khi các cháu đã ngủ, cô Hà mới về phòng công vụ ngay cạnh trường, bắt đầu ăn cơm rồi tranh thủ nghỉ ngơi được 15 phút. Cô chia sẻ: “Do chỉ có một mình đứng lớp, nên thường ngày tôi khá bận với các con. Buổi trưa tranh thủ nghỉ ngơi ăn uống được một lúc thì cũng tới giờ các con thức dậy. Tôi lại có con nhỏ dưới 1 tuổi, nên càng thêm vất vả. Giá như trên lớp có thêm 1 cô giáo nữa thì công việc sẽ được san sẻ đi nhiều”.

Không riêng cô Hà, các cô giáo tại Trường Mầm non Mường Toong cũng gặp những vất vả tương tự. Theo thống kê, Trường Mầm non Mường Toong có 649 học sinh nhưng chỉ có 20 giáo viên. Như vậy, trung bình mỗi cô giáo đang chăm sóc, nuôi dạy 33 học sinh. “Do đặc thù học sinh mầm non còn bé, trẻ chưa nhanh nhẹn và dễ tiếp thu kiến thức như học sinh cấp tiểu học, trung học; đồng thời ở vùng cao, trẻ cũng chưa được gia đình quan tâm, chăm sóc đảm bảo, chính vì thế khi trẻ tới lớp học, các cô giáo mất khá nhiều thời gian, chỉ bảo và chăm sóc các em. Số lượng học sinh lại tăng nhanh theo từng năm học, trung bình mỗi năm, một lớp học tăng từ 3 - 5 học sinh, nhưng số giáo viên thì không tăng khiến công tác giáo dục trở nên khó khăn” - cô giáo Phạm Thu Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Toong cho biết.

Cũng theo chia sẻ của cô Phạm Thu Phương, chính vì thiếu giáo viên trầm trọng nên điểm bản Huổi Cắn, mặc dù có điểm trường được dựng kiên cố, nhưng không tổ chức được lớp học mầm non. Các cô giáo đã tới từng nhà, vận động phụ huynh cho con em sang điểm bản khác theo học, nhưng vì điều kiện địa bàn xa xôi (cách vài cây số) trong khi phụ huynh không có phương tiện đi lại nên 32 trẻ trong độ tuổi mầm non tại điểm bản Huổi Cắn giờ đây vẫn chưa được theo học.

Khó khăn, vất vả nhất có lẽ là cô giáo tại Ðiểm trường Mầm non Nậm Sả, thuộc Trường Mầm non Mường Toong. Ở đây có 42 học sinh và chỉ có cô giáo Lò Thị Tươi đứng lớp. Hàng ngày, ngoài việc chăm lo, dạy dỗ các cháu, cô Tươi còn kiêm việc dọn dẹp vệ sinh và mua thức ăn, nấu nướng cho học sinh. Tâm sự với chúng tôi, cô Tươi kể: “Ngày nào cũng vậy, tôi vừa dạy học cho các con, vừa tranh thủ nấu cơm. Thấy trẻ khóc quấy, tôi lại chạy lên lớp... cứ như vậy mãi tới đầu giờ chiều, cô và trò mới được ăn cơm. Tuy vất vả nhưng tôi đã quen rồi, cũng may thỉnh thoảng tôi được phụ huynh học sinh tới giúp đỡ đi mua thức ăn, nấu nướng, trông trẻ ...”.

Do thiếu giáo viên nên công tác huy động học sinh ra lớp cũng trở nên khó khăn. Ở bản Nậm Pố 3, xã Mường Nhé có hơn 160 trẻ trong độ tuổi mầm non nhưng điểm Trường Mầm non Nậm Pố 3, thuộc Trường Mầm non Mường Nhé chỉ có 4 cô giáo. Do đời sống kinh tế còn vất vả, bà con nơi đây chưa quan tâm cho con em đi học đầy đủ, chính vì thế ngoài việc lên lớp, các cô giáo còn thường xuyên đến vận động từng gia đình cho con em đi học. Cô giáo Lò Thị Nhàn, Ðiểm trường Mầm non Nậm Pố 3 chia sẻ: “Do số lượng giáo viên ít, có những hôm chúng tôi phải trông lớp giúp nhau để cô giáo khác tranh thủ đi bản vận động học sinh ra lớp. Bình thường 1 cô giáo trông một lớp học từ 30 - 40 học sinh đã vất vả, nay số lượng còn gấp đôi. Nhưng cứ nghĩ tới học sinh vùng cao và mong muốn các em được gia đình quan tâm cho đi học nên chúng tôi lại bảo nhau cố gắng dạy học và thay phiên nhau đi vận động gia đình các em”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé cho biết: “Việc thiếu giáo viên, nhất là cấp học mầm non trong những năm gần đây không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà còn tiềm ẩn nguy cơ khiến giáo viên mầm non không mặn mà với cơ sở giáo dục vùng cao. Bởi khó khăn, vất vả chồng chất khiến giáo viên dễ nản lòng. Do vậy, phòng thường xuyên động viên, làm công tác tư tưởng cho giáo viên cấp mầm non, bên cạnh đó, đề nghị lên các cấp, ngành liên quan có hướng bổ sung biên chế giáo viên cho huyện để phân cho cấp mầm non”.

Nỗi khó khăn, vất vả của bao cô giáo mầm non trong huyện Mường Nhé có lẽ cũng là nỗi niềm chung của những giáo viên mầm non vùng cao trong tỉnh. Mong rằng với sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, trong năm học tới, số lượng giáo viên mầm non toàn tỉnh nói chung và huyện Mường Nhé nói riêng sẽ được bổ sung, tạo điều kiện để những giáo viên mầm non bớt đi khó khăn, vất vả; từ đó giúp các cô giáo thêm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top