Miệt mài “thắp lửa” nơi địa đầu Tổ quốc

09:32 - Thứ Năm, 22/11/2018 Lượt xem: 9094 In bài viết

ĐBP - Ði vùng cao đã nhiều, nhưng có lên Mường Nhé mới thấu hiểu nỗi vất vả của những thầy, cô đang ngày đêm miệt mài “thắp lửa” trên những điểm trường heo hút gió ngàn. Mặc dù sống trong nhọc nhằn, gian khó nhưng tình thầy trò thì luôn gắn bó keo sơn...

 

Giờ học của thầy và trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Vì (xã Nậm Vì).

Nằm cách trung tâm huyện lỵ chưa đầy 30km, nhưng chúng tôi phải đi mất gần 1 giờ đồng hồ, vượt qua con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu nối giữa những triền núi phủ mây mờ trắng xóa mới đến được xã Chung Chải. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp cô giáo Toán Khừ Só là đôi mắt dịu hiền và nụ cười luôn nở trên môi. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu), trong một gia đình người Hà Nhì, năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non, cô nhận công tác tại Trường Mầm non xã Chung Chải; năm 2016 cô chuyển công tác về Trường Mầm non Sín Thầu với học trò nghèo vùng cao. Cô Toán Khừ Só, bộc bạch: Ngày ấy, sau khi nhận công tác, tôi được phân công về dạy ở điểm trường Pá Lùng - bản nằm cheo leo trên đỉnh núi, cách trung tâm mấy chục cây số. Ðây là quãng thời gian khó khăn nhất với tôi. Nhiều hôm chỉ có một mình ở lại điểm trường trong căn phòng bé xíu, cái gì cũng thiếu, điện không, nước không… Ðể có nước sinh hoạt, hàng ngày tôi và đồng nghiệp phải đi bộ vào tận khe núi gánh về. Gần 7 năm gắn bó với nghiệp trồng người cũng là từng ấy năm cô kiên trì bám trường, bám lớp miệt mài gieo con chữ ươm mầm cho trẻ em vùng cao. Với người dân cô Só đã là một phần của núi rừng nơi đây. Vẫn biết là gian khó, nhưng với sức trẻ, sự nhiệt huyết của tuổi 20, cô đã “cùng ăn, cùng ở”, xuống núi, ngược ngàn khắp những nẻo đường mòn để vận động học sinh đến lớp mỗi khi năm học mới bắt đầu và sau mỗi dịp nghỉ tết. Những hôm trời mưa, cô phải xuống từng bản, từng hộ gia đình đưa các em ra lớp. Có những lúc lưng cõng một em, tay dắt một em, bấm chân trên đường trơn đưa các em về lớp học. Chứng kiến cảnh các em học sinh quây quần bên cô Só... chúng tôi không khỏi xúc động.

Tiếp tục hành trình, khi cơn mưa rừng vẫn còn vương trên những tán lá, chúng tôi tìm về bản Nậm Pố 3 (xã Mường Nhé) gặp cô Chu Thị Mai, giáo viên cắm bản. Nhớ lại những ngày đầu “gieo chữ” giữa đại ngàn, cô Mai chia sẻ: Có lên đây, ăn ở với dân, sống với các em học sinh mới thấu hết được những nỗi khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao. Ngày đầu khi mới chân ướt, chân ráo lên đây điểm trường chỉ là lán nứa tạm bợ, mùa hè mưa dột tứ bề, mùa đông gió lùa rét buốt, ngôn ngữ và điều kiện đi lại quá khó khăn phần nào làm nản lòng cô giáo trẻ... Song, chứng kiến những đứa trẻ nghèo vì muốn được đi học mà phải đi bộ hàng chục cây số trên những đôi chân trần dù nắng hay mưa vẫn đều đặn đến lớp đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi, thôi thúc tôi gắn bó hơn với mảnh đất vùng cao. Tôi hiểu rằng, với những giáo viên vùng cao, ngoài trách nhiệm, lòng yêu nghề thì sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn, vất vả của bà con vùng cao chính là động lực để cho những người giáo viên ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc.

Cô Toán Khừ Só và Chu Thị Mai là 2 trong số rất nhiều giáo viên ở Mường Nhé đã và đang mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghị lực và sự hy sinh thầm lặng gánh vác trên vai sứ mệnh nặng nề nhưng rất đỗi vinh quang “trồng người nơi địa đầu Tổ quốc”. Thầy Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé chia sẻ: Ðể sự nghiệp giáo dục Mường Nhé có được thành quả như hôm nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ thầy cô giáo qua các thế hệ, những viên gạch hồng sưởi ấm cho tâm hồn trẻ thơ vùng cao. Bằng tâm huyết, sự chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào dân tộc thiểu số, họ chẳng quản ngại khó khăn vượt đèo, lội suối, nguyện chung sức, đồng lòng đưa nhiều thế hệ học trò vùng cao đến với ánh sáng tri thức.

Lên với Mường Nhé đa phần giáo viên đều có tuổi đời rất trẻ, nhưng vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp giáo dục và trên hết là vì thế hệ tương lai của đất nước, họ tình nguyện sống xa gia đình, chấp nhận gian khổ để bám bản gieo chữ. Ðể xây dựng nhiều ngôi trường khang trang, vững chãi, mỗi thầy, cô giáo đã đồng cam cộng khổ vượt qua những dốc dựng, quãng đường trơn trượt, không kể nắng mưa gánh cát, gánh đá từ những dòng suối để xây trường, sân chơi, tạo môi trường lành mạnh để học sinh học tập, vui chơi. Và rồi, những con số biết nói (toàn ngành giáo dục Mường Nhé hiện có 38 trường, 637 lớp, 15.587 học sinh với tổng số 659 phòng học; 13 trường đạt chuẩn quốc gia) đã minh chứng cho sự hy sinh của những thầy cô giáo nơi đây thật cao quý và đáng trân trọng biết bao.

Chia tay Mường Nhé, chúng tôi vẫn còn nhớ như in lời của thầy Trần Ngọc Kiên: Mỗi thầy, cô giáo vùng cao không chỉ là người “gieo chữ” mà còn là người mẹ hiền chăm lo, sưởi ấm tâm hồn học trò. Ðể rồi trên mỗi bước đi, hành trang các em mang theo sẽ có cả những ánh mắt, nụ cười, những lời răn dạy và việc làm ấm áp nghĩa tình của các thầy, cô giáo.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top