Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh ở Mường Chà

Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

08:58 - Thứ Sáu, 30/11/2018 Lượt xem: 8522 In bài viết

ĐBP - Nhằm bảo tồn tiếng nói, chữ viết, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Thái và Mông, thời gian qua, huyện Mường Chà đã đặc biệt quan tâm thực hiện Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS. Sau 5 năm triển khai, đề án đã tạo sự hứng thú trong học tập tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

 

Một tiết học tiếng Mông của cô và trò Trường THCS Sa Lông.

Sau hơn 1 năm kể từ lần đầu tiên đến với Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He, xã Mường Tùng, đầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi mới có dịp quay trở lại ngôi trường này. Giờ đây, ngôi trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố và khang trang hơn nhiều so với thời điểm cách đây hơn 1 năm. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất không phải là sự đổi thay về cơ sở vật chất mà là các lớp học tiếng Thái. Chính sự hứng thú, tập trung của học sinh dân tộc Thái đang phát âm, đánh vần tiếng của dân tộc mình khiến chúng tôi rất tò mò và muốn tìm hiểu kỹ hơn về môn học này.

Sau tiết học đó, chúng tôi tìm gặp thầy giáo Lò Văn Quyết, giáo viên Trường THCS Nậm He. Mặc dù là giáo viên THCS nhưng thầy Quyết được phân công, đảm nhiệm dạy tiếng Thái cho học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He. Thầy Quyết chia sẻ: Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He triển khai chương trình dạy tiếng Thái cho học sinh từ năm học 2013 - 2014. Do thiếu giáo viên nên hiện nay việc triển khai dạy tiếng Thái cho học sinh mới chỉ dừng lại ở một số trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất và giáo viên. Là người dân tộc Thái và đã được đào tạo, tập huấn chuyên môn về giảng dạy tiếng Thái nên thầy Quyết đảm nhận việc giảng dạy tiếng Thái cho học sinh tiểu học. Hiện nay, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He dạy tiếng Thái cho học sinh của 3 lớp: 3A, 4A và 5A, theo thời khóa biểu được xây dựng từ đầu năm học. Mặc dù còn không ít khó khăn, song thực tế nhận thấy rằng, sau 5 năm triển khai, nhiều học sinh DTTS đã nghe, nói, đọc, viết thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, vì vậy các em rất hứng thú với môn học.

Khác với Trường PTDTBT Tiểu học Nậm He, năm học 2018 - 2019 là năm đầu tiên Trường THCS Sa Lông, xã Sa Lông đưa tiếng Mông vào giảng dạy trong nhà trường. Cô giáo Mai Thị Linh, Hiệu trưởng Trường THCS Sa Lông, giải thích: Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS được triển khai từ năm học 2013 - 2014; đến năm học 2018 - 2019 đã được 5 năm nên học sinh tiểu học đã lên lớp và theo học cấp THCS; đó là lý do năm học này là năm đầu tiên, nhà trường triển khai dạy tiếng Mông. Nếu như ở cấp tiểu học, học sinh được học tiếng nói, chữ viết tiếng Thái, tiếng Mông thì ở cấp học này, học sinh sẽ được học về ẩm thực, nét đẹp văn hóa, các lễ hội của dân tộc mình… Dù là năm học đầu tiên triển khai, song nhà trường đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, sự hỗ trợ về sách giáo khoa, tài liệu học tập và đội ngũ thầy, cô giáo đảm nhận việc truyền dạy môn học tiếng dân tộc đã được tập huấn đầy đủ nên khi thực hiện đề án cũng thuận lợi hơn. Năm học 2018 - 2019, Trường THCS Sa Lông giảng dạy tiếng Mông cho 4 lớp thuộc khối 6 và 7, với gần 140 học sinh.

Nói về ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn huyện, bà Cao Thị Kim Thu, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Chà, cho biết: Hiện nay, ngày càng nhiều học sinh DTTS không nghe, nói và viết được tiếng nói, chữ viết, không biết đến bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là dân tộc Thái, Mông. Vì các em được giao lưu văn hóa, sống xen kẽ với người dân tộc Kinh và đại đa số biết, sử dụng thành thạo tiếng phổ thông nên cho rằng việc học, sử dụng tiếng dân tộc mình là không cần thiết. Vì vậy, Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ðể thực hiện tốt công tác giảng dạy tiếng dân tộc trong các trường tiểu học và THCS, hàng năm Sở Giáo dục và Ðào tạo hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu về tiếng dân tộc; mua sắm trang thiết bị giảng dạy và tổ chức tập huấn chuyên môn cho giáo viên giảng dạy môn học. Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Chà xây dựng kế hoạch chỉ đạo việc dạy, bố trí, sắp xếp giáo viên dạy tiếng Thái, tiếng Mông ở các cấp học. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện tốt nhiệm vụ dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tại địa phương…

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top