Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025:

Thêm động lực gỡ khó

09:34 - Thứ Sáu, 21/12/2018 Lượt xem: 9085 In bài viết

Mặc dù 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào cuối năm 2017, song vẫn còn nhiều thách thức phía trước. 

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” (ngày 3-12-2018) nhằm tạo động lực thúc đẩy tháo gỡ những khó khăn, nhất là khi số lượng trẻ ra lớp ngày càng nhiều, còn công tác xây dựng trường, lớp chưa đáp ứng kịp thời.

 

Trẻ mầm non ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc tốt hơn.

Thêm nhiều trẻ được đến trường

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), một trong những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là cả nước đã thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đang duy trì tốt kết quả này. Sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục mầm non được thể hiện đều khắp ở các địa phương. Cả nước hiện có hơn 15.000 trường mầm non, 197.000 phòng học, tăng 1.700 trường và 49.000 phòng học so với năm 2013. Giáo dục mầm non không chỉ phát triển về số lượng, mà còn có những điểm nhấn về chất lượng, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ ở những cấp học sau. Minh chứng rõ nhất là việc gửi con tới trường mầm non đã trở thành nhu cầu thiết thực của người dân cả nước nên không phải tới vận động các gia đình, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, đưa trẻ ra lớp như trước.

Từ những nỗ lực đầu tư cho giáo dục mầm non, tỷ lệ phòng học kiên cố trong 5 năm qua đã tăng từ 59% lên 72%, tạo môi trường chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn. Sự quan tâm đầu tư cho giáo dục mầm non không chỉ thu hút 100% trẻ 5 tuổi, mà còn tạo thêm cơ hội cho nhiều trẻ dưới 5 tuổi được đến trường. Năm học 2018-2019, cả nước có hơn 5,6 triệu trẻ mầm non ra lớp, tăng hơn 1,1 triệu trẻ so với năm 2013.

Tại Hà Nội, trong 5 năm qua, thành phố đã dành 19.000 tỷ đồng (chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách) cho việc xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, học tập của nhân dân. Chị Nguyễn Mai Anh (phụ huynh học sinh Trường Mầm non Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) chia sẻ: “Con tôi là lứa học trò đầu tiên của Trường Mầm non Ngã Tư Sở. Mặc dù được khánh thành từ hơn 2 năm trước, song người dân sở tại vẫn rất hân hoan, vui mừng như vừa có thêm trường mới bởi đây là trường mầm non công lập đầu tiên được xây dựng trên địa bàn sau nhiều năm chờ đợi”.

Tạo đà phát triển mạnh mẽ

 

Trường Mầm non Phú Lãm (quận Hà Đông) được đầu tư khang trang, sạch sẽ.

Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” đã khẳng định vị thế của giáo dục mầm non là “cấp học đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ”. Với việc xác định: Nhà nước có trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển giáo dục mầm non và mục tiêu huy động 35% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp vào năm 2025 (tăng 9% trẻ nhà trẻ, 5% trẻ mẫu giáo so với hiện nay), đề án được kỳ vọng sẽ tăng cường sự chung tay của cộng đồng trong việc tháo gỡ điểm nghẽn của giáo dục mầm non, tạo đà cho cấp học này phát triển mạnh mẽ.

Hiện bình quân mỗi năm cả nước có thêm khoảng 230.000 trẻ đến trường và dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về việc phải sớm tìm lời giải cho bài toán thiếu trường, lớp mầm non. Tại Hà Nội, số trẻ mầm non ra lớp mỗi năm tăng thêm từ 25.000 trẻ đến 30.000 trẻ. Tình trạng sĩ số trẻ/lớp ở mức 65-70 trẻ không còn là hiếm ở cả khu vực nội thành và ngoại thành. 

Việc thiếu trường, lớp mầm non đã, đang kéo theo những thách thức đối với cơ quan chức năng trong việc quản lý những nhóm lớp tư thục mọc lên ngày càng nhiều, trong đó có không ít cơ sở hoạt động chui. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố hiện có gần 2.500 nhóm lớp tư thục và số chưa được cấp phép là 70, song trên thực tế con số này có thể cao hơn nhiều. Chị Hoàng Mai Lan (xã Kim Chung, huyện Đông Anh - địa bàn có tới 90% số trẻ được gửi tại các cơ sở tư thục), bày tỏ: "Do các trường, lớp mầm non công lập ở đây luôn trong tình trạng quá tải, nhiều phụ huynh đành gửi con vào các nhóm lớp tư thục, dù biết rõ điều kiện chăm sóc thiếu thốn nhưng thực tế là không có sự lựa chọn nào khác".

Là địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng trẻ mầm non ra lớp hằng năm nhiều, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho rằng, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, rất cần có các cơ chế, chính sách về xã hội hóa, tạo động lực để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, tạo thêm nhiều cơ hội cho trẻ mầm non được đến trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Thủ đô hiện có gần 1.100 trường mầm non, riêng năm học vừa qua tăng thêm 38 trường, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trên cơ sở rà soát thực tế về nhu cầu và định hướng phát triển của từng địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan đang trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030 với mục tiêu cải tạo, xây mới 1.557 trường học. Khu vực nào thiếu trường, số lượng thiếu cụ thể bao nhiêu, loại hình trường công lập hay tư thục, lộ trình và giải pháp thực hiện ra sao cũng sẽ được xác định rõ.
 

Nhằm giải quyết căn bản bài toán thiếu trường, lớp mầm non, một trong những giải pháp quan trọng được nêu tại Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” là ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh các giải pháp phát triển trường, lớp mầm non, đáp ứng nhu cầu chăm sóc giáo dục con của người lao động ở nơi có khu công nghiệp...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top