Có nên đào tạo sư phạm như mô hình của sinh viên y khoa?

14:25 - Thứ Tư, 26/12/2018 Lượt xem: 7473 In bài viết

Trước tình trạng chất lượng giáo viên chưa đáp ứng được với quá trình đổi mới giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách thức tuyển sinh và quá trình đào tạo sư phạm.

Trong đó, đào tạo giáo viên cần phải gia tăng tính thực hành, thay vì đào tạo lý thuyết chay như hiện tại, cần gắn sinh viên với các cơ sở giảng dạy phổ thông giống như sinh viên ngành y gắn trực tiếp với bệnh viện.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Kết quả một số công trình nghiên cứu gần đây cho thấy, một xu hướng căn bản là những giáo viên yêu nghề, có động lực học hỏi, có thể tự phát triển bản thân đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, còn những giáo viên không yêu nghề thì sẽ chán nản và có nguy cơ vi phạm những quy định của nghề cao hơn.

Do vậy, việc học sinh phổ thông được hướng nghiệp để hiểu rõ các yêu cầu của nghề sư phạm, hiểu các giá trị nghề nghiệp và thách thức đối với nghề nghiệp là vô cùng cần thiết, như là yếu tố tiền đề cho việc tuyển sinh sư phạm. 

 

Cần tăng cường thời lượng thực hành cho sinh viên trong các trường sư phạm hiện nay. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tư vấn này chưa được các trường phổ thông và bản thân các trường sư phạm thực hiện một cách có hiệu quả khi mà hiện nay, tuyển sinh vào các trường sư phạm cơ bản vẫn là tuyển sinh dựa trên kiến thức và kỹ năng của các môn học mà học sinh đăng ký thi.

Nói cách khác, phương thức và hình thức tuyển sinh hiện nay chưa đánh giá được lòng yêu nghề, định hướng giá trị nghề nghiệp của học sinh. Đây là vấn đề rất cần được giải quyết trong thời gian tới.

Cũng theo PGS Nguyễn Đức Sơn, trong chương trình đào tạo giáo viên hiện nay, mặc dù các nội dung về đạo đức nghề, phẩm chất người giáo viên, giao tiếp và ứng xử sư phạm đã được thiết kế nằm trong khối kiến thức (chương trình con) nghiệp vụ sư phạm song chưa có một hệ thống - khung các kỹ năng mềm cần thiết cho việc hành nghề của giáo viên trong nhà trường phổ thông để có kế hoạch rèn kỹ năng cho sinh viên.

Các nội dung chủ yếu vẫn tập trung vào kiến thức lý thuyết trong khi để hình thành đạo đức nhà giáo và các kỹ năng cần có sự trải nghiệm các tình huống thực tiễn trong môi trường nhà trường phổ thông. Việc đánh giá các kỹ năng giáo dục, các kỹ năng mềm hầu như còn vắng bóng, chủ yếu vẫn tập trung vào các kỹ năng dạy học.

Từ những bất cập trên, PGS Nguyễn Đức Sơn đề nghị, cần có sự điều chỉnh cả trong tuyển sinh đầu vào lẫn quá trình đào tạo sư phạm hiện nay. Đối với vấn đề tuyển sinh, cần xây dựng quy định về tuyển sinh vào các trường sư phạm theo hướng đưa ra các quy định, yêu cầu về thái độ, phẩm chất nghề có thể đo đạc được.

Về đào tạo, cần bổ sung, điều chỉnh các nội dung trong chương trình đào tạo theo hướng tăng cường các kỹ năng như kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng kỷ luật tích cực, kỹ năng phòng ngừa và can thiệp khủng hoảng.

Với kinh nghiệm của một người có nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo, PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện quản lý giáo dục cho rằng: Hiện nay, các trường sư phạm hầu như đều tuyển sinh trên giấy, tức là chỉ dựa hoàn toàn vào điểm thi.

Trong khi đó, trước đây, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm được tiến hành rất kỹ lưỡng. Ngoài điểm thi, các trường còn tiếp cận, phỏng vấn xem thí sinh có thích hợp với nghề giáo không? Đây là một đòi hỏi rất quan trọng bởi nghề giáo có những đặc thù riêng.

Chẳng hạn nếu như không yêu trẻ, không nhận thấy đây là nghề cao quý, không chấp nhận cuộc sống thanh bạch thì làm sao mà làm thầy được? Bên cạnh đó, khâu đào tạo cũng còn nhiều bất cập khi thời gian đào tạo ở trường sư phạm hiện nay chủ yếu khép kín trong trường đại học, thiếu sự gắn kết với các cơ sở giáo dục phổ thông.

PGS Đặng Quốc Bảo cũng chia sẻ: Cá nhân ông vẫn tâm đắc với mô hình đào tạo sư phạm thực nghiệm “vừa học, vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn. Thời kỳ 1977-1988, khi là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã triển khai thử nghiệm phương thức đào tạo giáo viên vừa học vừa làm. 

Điểm nổi bật của phương thức đào tạo này là sinh viên sư phạm có một số giờ làm việc ở trường phổ thông ngoài giờ học lý thuyết ở trường, gần giống với mô hình đào tạo sinh viên y khoa hiện nay. Trong 11 năm, Trường ĐH Sư phạm Trung ương đã đào tạo trên 2.000 giáo viên.

Sau khi ra trường, những giáo viên này được trở về địa phương, nơi mình sinh sống để giảng dạy. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành cốt cán của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường THPT. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là mô hình này diễn ra trong bối cảnh chúng ta chưa có hội nhập quốc tế về đào tạo giáo viên, thực tiễn chưa theo kịp tư duy đổi mới nên sau năm 1988, mô hình này đã không tiếp tục được áp dụng.

“Kinh nghiệm đào tạo giáo viên của thế giới hiện nay cũng cho thấy, ngay những nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand cũng áp dụng phương thức vừa học vừa làm để có nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho giáo dục. Do vậy, tôi mong ngành Giáo dục cần nghiên cứu kỹ mô hình đào tạo sư phạm “vừa học, vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn để chắt lọc những kinh nghiệm hay, vận dụng vào thực tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay” - ông Bảo nêu quan điểm.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top