Ấm lòng học sinh vùng cao

09:56 - Thứ Năm, 17/01/2019 Lượt xem: 9234 In bài viết

ĐBP - Phần lớn học sinh trên địa bàn tỉnh là người dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, khiến việc chăm lo, quan tâm đến học hành cho các em còn hạn chế. Từ khi Chính phủ hỗ trợ gạo cho học sinh vùng khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP ngày 18/7/2016 đã giúp các em yên tâm đến trường không còn hiện tượng bỏ học vì thiếu ăn.

 

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố ăn cơm bán trú.

Ðã thành thông lệ, đúng 11 giờ 30 phút hàng ngày, sau khi kết thúc giờ học trên lớp, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Pố, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) tập trung tại khu nhà bếp để nhận suất cơm trưa. Những suất cơm vẫn còn nóng hổi, với thịt rang, đậu phụ và canh đã được cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường chuẩn bị sẵn. Nhận cơm về chỗ ngồi của mình, nhưng chưa thấy các em ăn nên chúng tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao các em vẫn chưa ăn cơm?”. Nghe thấy vậy, cô giáo Ðinh Thị Châm, Phó Hiệu trưởng nhà trường đứng bên tiếp lời: “Ðã trở thành nền nếp rồi, nhà báo à! Trước khi ăn, toàn bộ học sinh nhà trường đồng loạt đứng dậy và đồng thanh hô vang lời mời cơm đối với thầy, cô và bạn bè xong mới ăn. Thói quen đó được thầy, cô giáo rèn cho các em”.

Cô Châm cũng cho biết thêm, năm học 2018 - 2019 là năm học đầu tiên trường trở thành trường PTDTBT, nhưng học sinh trong trường đã nhận được gạo hỗ trợ của Chính phủ và được ăn, ở bán trú từ năm học 2013 - 2014. Theo quy định, nhà học sinh tiểu học cách trường từ 4km trở lên và từ 7km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá sẽ được hưởng chế độ bán trú và được hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Năm học 2018 - 2019, Trường có 643 học sinh; trong đó 601 học sinh là con em hộ nghèo nhưng chỉ có 179 em đủ tiêu chuẩn được hưởng chế độ học sinh bán trú. Hầu hết các em đều là học sinh nghèo nên từ khi được hỗ trợ gạo và ăn, ở theo mô hình trường học bán trú, các em đi học chuyên cần hơn, không còn tình trạng bỏ học và phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em tại trường. Bên cạnh những giờ học chính khóa trên lớp, học sinh bán trú còn được thầy, cô giáo phụ đạo thêm và rèn luyện các kỹ năng sống, hoạt động nền nếp.

Cũng như Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Pố, năm học 2018 - 2019, Trường PTDTBT THCS Mường Nhé có 810 học sinh; trong đó 525 học sinh bán trú. Học kỳ 1, nhà trường đã tiếp nhận trên 46 tấn gạo hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn. Cô giáo Lèng Thị Tịnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc các em được Chính phủ hỗ trợ gạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng để các em đến lớp đều hơn, giúp nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Nhờ vậy, những năm học gần đây, năm nào tỷ lệ chuyên cần của trường cũng đạt từ 95 - 96%”.

Ông Phan Văn Uyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé chia sẻ: Mường Nhé là huyện vùng cao, biên giới, chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc cho con em đến trường chưa được quan tâm đúng mức, nhiều hộ cho con nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình... Ðược sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, học sinh bán trú được hỗ trợ gạo, đây thực sự là niềm vui đối với các gia đình có con em đi học và là động lực giúp học sinh đến trường đầy đủ, chuyên cần hơn. Hiện nay, toàn huyện có trên 26 trường được hỗ trợ gạo theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ; các trường đã tổ chức nấu ăn theo mô hình bán trú. Việc tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh ở  những vùng đặc biệt khó khăn như huyện Mường Nhé là chủ trương đúng đắn của Nhà nước, tạo điều kiện cho việc huy động trẻ em đến trường; góp phần tổ chức các hoạt động được toàn diện hơn, nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Nhà ở bản Huổi Háo, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng), nếu không được hỗ trợ gạo, được ăn, ở theo chế độ bán trú tại trường, em Hờ A Thắng, học sinh lớp 4A1, Trường PTDTBT Tiểu học Ẳng Tở chắc sẽ khó đến lớp chuyên cần. Bởi quãng đường từ nhà tới trường khá xa, địa hình cách trở, đi lại khó khăn. Khi được nhận gạo hỗ trợ hàng tháng, Thắng đến trường không những được ăn no, mà chất lượng bữa ăn còn được nhà trường cải thiện... Thắng chia sẻ: “Nhà em ở cách trường gần 20km, nhiều hôm đi bộ đến trường rất mệt và đói, vì thế nhiều khi em phải nghỉ học. Bây giờ được hỗ trợ gạo và được ăn, ở bán trú tại trường, chế độ dinh dưỡng đảm bảo nên em có thể yên tâm học tập”.

Chia sẻ về ý nghĩa của chủ trương hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú, ông Lê Văn Thống, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Ảng cho biết: Cùng với các chương trình hỗ trợ học sinh nghèo khác thì chương trình hỗ trợ gạo với mức hỗ trợ 15kg gạo/tháng/học sinh đã mang lại những lợi ích thiết thực; giúp gia đình các em yên tâm, học sinh phấn khởi khi đến trường. Từ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số. Ðể thực hiện nghiêm túc chủ trương hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú, thời gian tới, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Ảng sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức nấu ăn tại các bếp ăn nhà trường và chỉ đạo, hướng dẫn các trường thực hiện tốt nền nếp đối với học sinh bán trú; tăng cường nguồn lực đầu tư cho các trường có học sinh bán trú; đầu tư cơ sở vật chất đối với phòng ăn, phòng ở cho học sinh... nhằm tạo chuyển biến tích cực trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện.

Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước đến đời sống an sinh xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng khó khăn. Cùng những chính sách hỗ trợ khác, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh bán trú sẽ tiếp thêm động lực để các em đến trường thực hiện những ước mơ, hoài bão và trở thành những công dân có ích cho xã hội. 

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top