Áp dụng chuẩn nghề nghiệp để nâng chất giáo dục mầm non

16:01 - Thứ Tư, 27/02/2019 Lượt xem: 7479 In bài viết

Tháng 10-2018, Bộ GD-ĐT ban hành cùng lúc 2 thông tư số 25 và 26 về quy định chuẩn nghề nghiệp đối với hiệu trưởng và giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non.

Đây là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần quan trọng vào xây dựng chương trình cũng như làm cơ sở thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.

Không chạy theo áp lực thành tích

Sáng 26-2, tại hội nghị triển khai thực hiện thông tư quy định về chuẩn hiệu trưởng và giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TPHCM, TS Nguyễn Hải Thập, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết chuẩn nghề nghiệp đối với hiệu trưởng và giáo viên mầm non đã được ban hành từ nhiều năm trước (7 năm đối với chuẩn hiệu trưởng và 10 năm đối với chuẩn giáo viên mầm non - PV).

Trong đó, nhiều quy định về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm không còn phù hợp với yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục mầm non mới chỉnh sửa nói riêng và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nói chung trên cả nước. Từ thực tế đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp mới nhằm giúp cơ quan quản lý xây dựng lại các văn bản hướng dẫn đánh giá, áp dụng chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cũng như làm tiền đề cho các kế hoạch quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự.

Ngoài ra, đối với các trường đại học (ĐH), cao đẳng sư phạm, đây sẽ là cơ sở để xây dựng lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu mới của xã hội. “Riêng với 2 đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quy định chuẩn nghề nghiệp, việc ban hành chuẩn mới không nhằm mục đích đánh giá thi đua, khen thưởng mà giúp giáo viên và cán bộ quản lý có cơ sở tự soi lại mình, từ đó đề ra kế hoạch phấn đấu, học tập và bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần vào việc phát triển chất lượng chung của bậc học”, TS Nguyễn Hải Thập phân tích.

Ở góc độ khác, theo PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục mầm non - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ GD-ĐT), việc đánh giá giáo viên mầm non căn cứ theo quy định cũ chưa phân loại được đội ngũ giáo viên, không đưa ra được thực trạng chính xác cũng như xác định các nội dung cần bồi dưỡng để nâng cao năng lực nghề nghiệp.

 

Cô và trẻ trong một giờ sinh hoạt bán trú tại Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).

Minh chứng điều này, PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh cho biết, tỷ lệ đạt chuẩn nghề nghiệp của giáo viên mầm non luôn ở mức cao, trong đó nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, trên 90% giáo viên xếp loại xuất sắc và khá. Trong khi đó, đánh giá chung về chất lượng bậc học cho thấy chưa đáp ứng yêu cầu xã hội, vẫn còn tình trạng trẻ bị bạo hành, chất lượng chăm sóc không đảm bảo. Vì vậy, việc xây dựng chuẩn mới là cần thiết. Song, quá trình thực hiện không nhằm mục đích “đẻ” thêm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên. Thay vào đó, giáo viên và cán bộ quản lý có thể sử dụng tài liệu gồm ảnh chụp, file ghi âm, đoạn video, sản phẩm cụ thể để xác thực một cách khách quan mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Mạnh dạn với chuẩn ngoại ngữ và tin học

Một điểm đáng lưu ý trong quy định chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý bậc mầm non là đưa thêm quy định về chuẩn ngoại ngữ và tin học.

Chia sẻ vấn đề này, Th.S Cù Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Nhà giáo - Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, khẳng định việc đặt ra các chuẩn quy định về ngoại ngữ và tin học không phải tạo thêm áp lực bằng cấp cho giáo viên, mà nhằm đánh giá tổng quan khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, cũng như tính chủ động, cập nhật kỹ năng đáp ứng đòi hỏi công việc. Trong quá trình xây dựng chuẩn nghề nghiệp, đây là 2 yêu cầu được cơ quan soạn thảo dành nhiều quan tâm cũng như lắng nghe ý kiến từ nhiều nguồn trong xã hội. So với các quốc gia khác trong khu vực, yêu cầu về ngoại ngữ và tin học của Việt Nam chưa ở mức cao. Mặt khác, so với chuẩn đầu ra của các trường ĐH, yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở mầm non không có nhiều chênh lệch. Do đó, nếu việc dạy và học ở ĐH đi vào thực chất thì đội ngũ không khó hoàn thành chuẩn nghề nghiệp.

Ngoài ra, cũng theo đại diện Bộ GD-ĐT, việc đánh giá giáo viên và hiệu trưởng cơ sở mầm non không dựa trên cơ sở so sánh cá nhân này với cá nhân khác, mà là đánh giá quá trình tiến bộ của mỗi người, dựa theo chu kỳ 2 năm/lần với 4 mức đánh giá: chưa đạt, đạt chuẩn ở mức đạt, đạt chuẩn ở mức khá và đạt chuẩn ở mức tốt. Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục ban hành một số gợi ý về chương trình bồi dưỡng để nâng cao năng lực đội ngũ.

TS Chu Thị Hồng Nhung, thành viên Nhóm nghiên cứu chuẩn nghề nghiệp đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non, lưu ý trước và trong khi thực hiện đánh giá, cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương cần tăng cường truyền thông nội bộ về mục tiêu, ý nghĩa, phương pháp đánh giá cũng như hướng dẫn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và chủ động tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch triển khai đánh giá ngay từ đầu năm học, phân công rõ ràng công việc, lĩnh vực chủ trì để tránh trùng lặp, đảm bảo việc đánh giá được khách quan, công bằng, toàn diện và chính xác. Các sở GD-ĐT cần chủ động, sáng tạo trong việc hướng dẫn cơ sở giáo dục xác định minh chứng phù hợp điều kiện thực tế tại mỗi đơn vị.

Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non gồm 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí. Trong khi đó, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non gồm 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí, trong đó chú trọng các tiêu chí về tự chủ, tự chịu trách nhiệm và quản trị nhà trường.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top