Giải “bài toán” thiếu giáo viên ở Nậm Pồ

09:10 - Thứ Tư, 06/03/2019 Lượt xem: 10077 In bài viết

ĐBP - Tình trạng thiếu giáo viên ở Nậm Pồ thời gian qua đã tác động không nhỏ đến công tác dạy và học trên địa bàn. Tuy nhiên với nhiều cách làm linh hoạt, “bài toán” thiếu giáo viên nơi đây dần được khắc phục, giúp chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.

 

Tiết dạy và học ở Trường Mầm non Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ). Ảnh: Quang Long

Huyện Nậm Pồ hiện có 45 trường (5 trường chưa hoạt động giáo dục) với 763 lớp, 18.989 học sinh; trong đó 15 trường mầm non, 15 trường tiểu học và 15 trường trung học cơ sở; 1.676 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Ngoài đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ, cấp mầm non có 355 giáo viên; cấp tiểu học 521 giáo viên; cấp trung học cơ sở có 313 giáo viên. Như vậy, theo quy định, ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện còn thiếu hơn 200 giáo viên; trong đó, tập trung chủ yếu ở cấp mầm non với 190 giáo viên.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ, cho biết: Bên cạnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NÐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế thì nguyên nhân căn cơ vẫn do dân số trong độ tuổi đi học, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tăng dẫn đến quy mô trường, lớp học tăng theo. Ðơn cử như ở cấp mầm non, năm học 2018 - 2019, huy động trẻ nhà trẻ toàn huyện ra lớp là 1.694/4.823; so với kế hoạch tăng 5,7%; so với  năm học 2017 - 2018, tăng 2,2%; huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt 5.060/5.213 (97,1%), so với kế hoạch tăng 3%; so với năm học 2017 - 2018, tăng 1,5%... Như vậy, để đáp ứng việc tăng tỷ lệ học sinh ra lớp như trên, yêu cầu phải tăng số giáo viên đứng lớp cho các trường. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa đáp ứng đủ số lượng giáo viên đứng lớp, ngành chủ động chỉ đạo các trường tăng số lượng học sinh/lớp. Ðồng thời, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Mặc dù ở vị trí địa lý thuận lợi hơn các xã khác trong huyện, song tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra đối với Trường Mầm non Nà Hỳ. Cô Tạ Thị Sáu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Năm học 2018 - 2019, trường có 33 giáo viên đang giảng dạy 24 lớp với 566 học sinh. Theo Thông tư Liên tịch 06/2015 Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập quy định đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày thì nhà trường hiện thiếu 5 giáo viên; trong đó, 2 giáo viên nhà trẻ và 3 giáo viên mẫu giáo. Trước tình trạng trên, trường đang tổ chức tăng số lượng học sinh/lớp; trung bình 19 cháu/lớp nhà trẻ và 26 cháu/lớp mẫu giáo.

Không chỉ ở cấp mầm non, ở cấp tiểu học trên địa bàn huyện cũng có tình trạng thiếu giáo viên nhưng không nhiều, trong đó chủ yếu là thiếu giáo viên ở các bộ môn đặc thù, như: Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc… Ðối với các môn văn hóa về cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa, cho biết: Những năm trước đây, nhà trường thường xảy ra tình trạng thiếu giáo viên đối với các môn đặc thù. Song để khắc phục tình trạng này, trường tổ chức cho giáo viên dạy tăng tiết nhằm đảm bảo việc học tập của học sinh. Ðến nay, công tác giáo dục của nhà trường đã ổn định, chất lượng giáo dục không ngừng tăng lên. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 99%; 100% học sinh học đúng độ tuổi. Cuối mỗi năm học, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; trong đó, tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm trên 50%... Với những kết quả đó, năm học 2018 - 2019, trường vinh dự được UBND tỉnh Quyết định cấp Bằng Công nhận trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở Nậm Pồ là do giáo viên ở một số trường trên địa bàn tự nguyện xin nghỉ việc. Theo thông tin mà chúng tôi có được, từ khi thành lập huyện Nậm Pồ (năm 2013) đến nay, toàn ngành Giáo dục và Ðào tạo huyện có trên 50 giáo viên xin thôi việc. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện cho biết: Không riêng gì Nậm Pồ, với đặc thù là huyện vùng cao, điều kiện sinh hoạt, giao thông đi lại quá khó khăn nên nhiều giáo viên đã xin thôi việc, trong đó chủ yếu là giáo viên hợp đồng. “Về phía ngành, chúng tôi đã cố gắng động viên, giải đáp những thắc mắc, chia sẻ những khó khăn và tạo điều kiện hết mức cho giáo viên yên tâm công tác, tuy nhiên chúng tôi cũng tôn trọng ý kiến của giáo viên nếu nhất quyết xin nghỉ” - Ông Thuận nhấn mạnh.

Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trước mắt, Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Nậm Pồ đã kiến nghị UBND huyện ký hợp đồng có thời hạn để đảm bảo công tác giảng dạy đối với các cơ sở giáo dục, song đây vẫn chỉ là một trong những giải pháp tình thế. “Ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện có kế hoạch tuyển dụng đủ giáo viên” - ông Thuận cho biết.

Tháng 2 vừa qua, trong chương trình công tác thăm, làm việc đối với các xã trên địa bàn huyện của Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ, đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy đã ghi nhận nhiều ý kiến về tình trạng thiếu giáo viên ở một số đơn vị trường. Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan nhanh chóng tham mưu, đề xuất nội dung, phương án nhằm khắc phục tình trạng trên để các đơn vị trường học yên tâm công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Quang Long
Bình luận
Back To Top