Bộ GD-ĐT yêu cầu huy động Ban phụ huynh trong việc giám sát an toàn thực phẩm tại trường học

16:58 - Thứ Ba, 19/03/2019 Lượt xem: 7682 In bài viết

Ngày 19-3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa đã ký công văn số 1074/ BGDĐT – GDTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

 

Học sinh sợ hãi xét nghiệm sán heo tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương ở Hà Nội,

Công văn nêu rõ, thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với sở y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm.

Bộ GD-ĐT yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa là điều kiện thích hợp để dịch bệnh có thể bùng phát.

Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại trường học, tuân thủ việc ăn chín, uống sôi, thay đổi thói quen, phong tục tập quán có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm,…); đảm bảo dinh dưỡng hợp lý phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, ngành y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Liên quan đến vụ học sinh bị nhiễm sán heo tại Bắc Ninh, sau Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) là bà Cao Thị Hòe bị đình chỉ công tác, chính quyền địa phương đã tiếp tục đình chỉ công tác bà Nguyễn Thị Minh Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Thanh Khương và một số cán bộ liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Theo bà Nguyễn Thị Mây - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của Trường Mầm non Thanh Khương, quy trình giao nhận thực phẩm trong nhà trường, do Hiệu phó Nguyễn Thị Minh Tuân cùng cô nuôi là người ký giao nhận thức ăn buổi sáng.

Đến thời điểm này, kết quả xét nghiệm ba ngày 15, 16, 17-3 tại hai bệnh viện trung ương có 186/1.756 cháu ở Thuận Thành dương tính với sán heo (11,9%), tỷ lệ này xấp xỉ bằng mức nhiễm bình quân chung 12% của 55 tỉnh, thành phố đã xét nghiệm kháng thể.

Sở Y tế Bắc Ninh cho hay chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỷ lệ nhiễm sán ở Thuận Thành cũng như tỉnh Bắc Ninh. Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng năm 2009 cho thấy ít nhất 55 tỉnh thành có ca bệnh nhiễm sán/ấu trùng sán heo, tỷ lệ dao động 0,5-12%. Như vậy, tỷ lệ 11,9% tỉnh Bắc Ninh thống kê đã tiệm cận với mức cao nhất một tỉnh thành được điều tra nhiễm sán heo/ấu trùng sán heo.

UBND huyện Thuận Thành cho hay, việc xử lý cá nhân, tập thể liên quan vụ việc ra sao, trước hết phải chờ kết luận cơ quan điều tra.

Như đã đưa tin, các ngày 14, 20-2, bếp ăn Trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) xuất hiện thịt heo nghi nhiễm sán. Ngày 22-2, video đăng tải thịt heo nghi nhiễm sán lan truyền trên mạng khiến phụ huynh ở xã Thanh Khương đồng loạt cho con nghỉ học, yêu cầu nhà trường và chính quyền có biện pháp giải quyết.

Giữa tháng 3, một số phụ huynh lo sợ cho con đi kiểm tra, kết quả dương tính với loài ký sinh trùng nguy hiểm này. Điều này khiến phụ huynh 19 trường mầm non và tiểu học Thuận Thành lo lắng, đồng loạt đưa con đưa đi xét nghiệm ở Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top