Vì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục

08:36 - Thứ Năm, 22/08/2019 Lượt xem: 10560 In bài viết

ĐBP - Bằng sự nỗ lực, quyết tâm, năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới cơ sở trường, lớp học tiếp tục được quan tâm đầu tư; trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao; hầu hết chỉ tiêu giáo dục đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch được giao... Triển khai năm học 2019 - 2020, ngành GD&ÐT tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cơ bản nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Một tiết học theo nhóm của thầy và trò Trường Tiểu học Nậm Pố, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé). Ảnh: Huyền Lâm

Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên

Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ÐT tỉnh đề ra 9 nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GD&ÐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục... Trong đó, việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp được ngành GD&ÐT xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bởi đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc nâng cao chất lượng GD&ÐT. Nhiệm vụ trên đã được ngành GD&ÐT chú trọng triển khai từ những năm học trước bằng việc thực hiện đúng, đủ quy trình về công tác cán bộ như: Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ giai đoạn 2016 - 2021, 2021 - 2026; quy trình bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm. Ðồng thời, phối hợp triển khai các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các cấp. Ðến cuối năm học 2018 - 2019, ngành GD&ÐT có 15.916 công chức, viên chức và người lao động; trong đó, 1.329 cán bộ quản lý và 11.788 giáo viên. Ðáng chú ý, tỉ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn rất cao, ở cấp mầm non và tiểu học đạt 100%, cấp THCS và THPT đạt trên 99%.

Chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT, giải pháp quan trọng sẽ được ngành quan tâm thực hiện là tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở. Ðặc biệt, do sắp tới sẽ triển khai chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nên Sở sẽ phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý để thực hiện chương trình; bồi dưỡng nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ cho giáo viên, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Song song với đó, ngành sẽ quan tâm thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ giáo viên, như: Thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chế độ tiền lương và các phụ cấp theo lương, trợ cấp khác, kịp thời đánh giá, khen thưởng, động viên nhằm tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo tận tâm cống hiến với nghề...

Tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Bên cạnh việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp, để nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, thường xuyên cho GD&ÐT. Trong điều kiện là tỉnh nghèo, nguồn ngân sách còn nhiều hạn chế, song năm học vừa qua ngành GD&ÐT đã tích cực tuyên truyền, huy động được hơn 48 tỷ đồng, vận động nhân dân hiến 17.686m2 đất, vận động đóng góp trên 7.400 ngày công lao động từ nhân dân, phụ huynh và học sinh để xây dựng trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cho học sinh bán trú. Ðặc biệt, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, việc xây dựng nhà lớp học, nhà công vụ, nhà nội trú theo tiêu chí “3 cứng” được ngành GD&ÐT thực hiện tốt, góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở vật chất các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thời điểm hiện tại, ngành GD&ÐT có 8.985 phòng học (gồm 7.405 phòng học thông thường và 1.580 phòng học bộ môn), trong đó 5.639 phòng học kiên cố (đạt 62,7%), số phòng bán kiên cố đạt trên 24%; toàn ngành có 3.223 phòng nội trú, 2.443 phòng công vụ... Cơ sở vật chất như trên tuy đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, song so với nhu cầu thực tế, ngành vẫn còn thiếu hơn 1.000 phòng công vụ, gần 1.300 phòng nội trú, hơn 1.700 phòng học, khoảng 903 bếp ăn và hơn 1.200 nhà vệ sinh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT chia sẻ: Ðể khắc phục tình trạng trên, cùng với việc bố trí, sắp xếp sử dụng hợp lý, hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, ngành GD&ÐT sẽ tăng cường quản lý và triển khai tổ chức thực hiện đúng tiến độ và chất lượng các chương trình, dự án được phân cấp quản lý theo quy định; thực hiện tốt công tác mua sắm, tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị trường học, trong đó nhiều trường đã tổ chức cho giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học để vừa đáp ứng được nhu cầu học tập, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh. Mặt khác, ngành GD&ÐT sẽ tích cực tham mưu với các cấp, ngành ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học để đáp ứng yêu cầu tăng số học sinh/lớp, tăng số lớp/trường, nhất là việc đầu tư nhà vệ sinh, công trình nước sạch trong trường học. Ðồng thời, ưu tiên các điều kiện phục vụ đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa lớp 1 vào năm học 2020 - 2021, tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư hướng đến mục tiêu phát triển và nâng cao chất lượng GD&ÐT của tỉnh nhà.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top