Tạo sân chơi để học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn

09:07 - Thứ Tư, 09/10/2019 Lượt xem: 11192 In bài viết

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được triển khai từ năm học 2011-2012 đến nay thu hút đông đảo học sinh cả nước tham dự, trong đó có những dự án nghiên cứu đoạt giải quốc tế. Năm học 2019-2020, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tiếp tục triển khai cuộc thi nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề thực tiễn và góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực học sinh.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Ðào tạo tham quan các gian hàng tại cuộc thi khoa học, kỹ thuật khu vực phía bắc năm học 2018-2019.

Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ, sự bùng nổ tri thức, công nghệ sản xuất mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi các nội dung trong GD và ÐT, yêu cầu người học phải thay đổi cách học, người dạy phải thay đổi cách dạy và nhà trường phải thay đổi cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Trải qua nhiều năm tổ chức thi KHKT cho thấy có nhiều học sinh thật sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Mỗi cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học hằng năm thu hút khoảng 10 nghìn dự án tham dự ở cấp cơ sở; cuộc thi cấp quốc gia khoảng 500. Ðáng chú ý, từ kết quả thi quốc gia đã lựa chọn các dự án xuất sắc dự thi quốc tế. Liên tục trong các cuộc thi KHKT quốc tế - Intel ISEF ở Mỹ những năm vừa qua, học sinh Việt Nam đã khẳng định năng lực nghiên cứu KHKT ở tầm quốc tế. Trong đó, năm 2012 có dự án đoạt Giải nhất; năm 2013 đoạt hai Giải tư; năm 2014 đoạt hai Giải tư và một Giải đặc biệt; năm 2015 đoạt một Giải tư và một Giải đặc biệt; năm 2016 đoạt bốn Giải ba; năm 2017 có một Giải ba, bốn Giải tư và bốn Giải đặc biệt; năm 2018 có một Giải ba và một Giải đặc biệt, năm 2019 có một Giải ba. Tỷ lệ dự án đoạt giải của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình 26% của Intel ISEF… Những thành công bước đầu của cuộc thi mở ra một hướng phát triển mới, góp phần tích cực đổi mới giáo dục phổ thông định hướng phát triển năng lực học sinh.

Ðể góp phần đổi mới giáo dục, giúp học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020 tiếp tục được Bộ GD và ÐT triển khai với các quy trình chặt chẽ. Kỳ thi KHKT cấp quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 3-2020. Trong đó, thí sinh dự thi là học sinh lớp 8, 9 và học sinh THPT có kết quả xếp loại hạnh kiểm, học lực học kỳ 1 năm học 2019-2020 đạt từ khá trở lên. Nội dung thi là kết quả nghiên cứu được thực hiện trong vòng một năm tính đến ngày 31-1-2020. Mỗi dự án có thể của một hoặc hai học sinh và có một giáo viên trung học bảo trợ. Ngoài người bảo trợ, dự án có thể thêm người hướng dẫn khoa học là các nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường đại học.

Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, cuộc thi năm học 2019-2020 đối với học sinh trung học sẽ có ba nhóm gồm 22 lĩnh vực như: Khoa học động vật, khoa học xã hội và hành vi, y sinh và khoa học sức khỏe… Ðề tài nghiên cứu KHKT là ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống, thậm chí vượt cao hơn nội dung chương trình phổ thông. Tuy nhiên, quá trình chấm điểm, xét giải không phải cứ công trình lớn, đầu tư nhiều sẽ được chấm điểm cao. Ban tổ chức không nặng về chấm điểm kết quả sản phẩm sau cùng mà chú trọng đến đánh giá năng lực học sinh tham gia, đóng góp và triển khai đề tài. Các dự án nghiên cứu phải bảo đảm của học sinh từ ý tưởng, đến triển khai và ra kết quả nghiên cứu; các thầy giáo, cô giáo chỉ là hướng dẫn, giúp đỡ học sinh. Quy trình chấm thi sẽ theo từng lĩnh vực mỗi dự án được ban tổ chức đánh giá qua hai phần thi độc lập: Ðánh giá qua hồ sơ đối chiếu với các tiêu chí (vấn đề nghiên cứu, kế hoạch phương pháp nghiên cứu, triển khai nghiên cứu); đánh giá thông qua trưng bày và phỏng vấn về tính sáng tạo, trình bày của tác giả nghiên cứu về dự án. Kinh nghiệm một số năm vừa qua, có những dự án nghiên cứu, học sinh chỉ nói được kết quả sau cùng mà không chỉ ra được dự án thiết kế ra sao, sự đóng góp vào thực tiễn là gì, những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án… sẽ không được đánh giá cao. Bởi vì những học sinh đó không thật sự tham gia dự án. Nếu dự án nghiên cứu của học sinh thì học sinh phải hiểu, lý giải được và đóng góp chính vào nghiên cứu.

Cuộc thi KHKT sẽ khuyến khích các em nghiên cứu, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức cuộc thi cũng gắn nghiên cứu khoa học của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Cuộc thi cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh trung học.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top