Nghỉ học tránh dịch: Bộ GD-ĐT họp với 63 tỉnh thành về việc tinh giản chương trình

14:55 - Thứ Tư, 25/03/2020 Lượt xem: 9923 In bài viết

Theo dự kiến, trong quá trình dạy học qua Internet và truyền hình, giáo viên thực hiện đánh giá học sinh thường xuyên. Khi các em quay lại trường, dành 2 tuần để hệ thống kiến thức và có thể kiểm tra 2 bài: bài kiểm tra định kỳ (1 tiết) và cuối kỳ (bài kiểm tra học kỳ).

Thứ trưởng Bô GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Ngày 25-3, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để tiếp tục quán triệt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học; triển khai việc dạy và học qua Internet và truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học, nhất là việc tinh giản chương trình.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, quan điểm xuyên suốt của Bộ GD-ĐT là không để dịch xâm nhập học đường, bảo đảm sức khỏe của giáo viên và học sinh. Vì thế, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành để bàn thảo về vấn đề tiếp tục phòng chống dịch trong nhà trường; bàn kỹ vấn đề học qua Internet và truyền hình để bảo đảm chất lượng, cách nào để công nhận kết quả học tập qua Internet và truyền hình. Tinh giản chương trình như thế nào để giảm áp lực học hành cho học sinh, giảm áp lực về tâm lý, giúp cho các em vẫn đủ thời gian hoàn thành chương trình cốt lõi để có thể dự thi vào các kỳ thi quan trọng: thi vào lớp 10, kỳ thi THPT quốc gia.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo về tinh giản chương trình, hiện Bộ GD-ĐT đã thành lập các tiểu ban để rà soát, tinh giản chương trình, hiện các tiểu ban đang gấp rút tiến hành việc rà soát.

Những tiểu ban rà soát chương trình bao gồm các chuyên gia giáo dục, tác giả sách giáo khoa (SGK), giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học. Việc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu, nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề. Việc tích hợp vẫn nằm trong chương/mục SGK nhưng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.

“Tinh thần là phải chấp nhận hạ thấp yêu cầu đối với học sinh ở mức cao, tức là phải tinh giản những kiến thức nâng cao, chủ yếu để học sinh nắm những kiến thức cốt lõi”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Thành cũng nhấn mạnh, hiện nay, Bộ GD-ĐT mới điều chỉnh khung thời gian năm học lùi 6 tuần, nhưng học sinh nghỉ hết tháng 3 là 8 tuần, thậm chí có thể kéo dài nghỉ đến 10 tuần, hoặc hơn. Do đó, thời điểm học sinh quay lại trường là bao giờ cũng chưa xác định được, vì hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nên việc tinh giản chương trình để bảo đảm các em được học trên Internet và truyền hình nắm được kiến thức cơ bản, khi các em quay lại trường thì được hệ thống thêm.

Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, sau khi thống nhất các nội dung tinh giản, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng các bài giảng để thống nhất dạy cho học sinh trên toàn quốc.

Khi dạy học qua Internet và truyền hình, cần bảo đảm yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, cho phép học sinh truy cập được bài học, tương tác được với thầy cô thì bài học mới hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục cũng phải xây dựng kế hoạch dạy học như bình thường, xây dựng học liệu, liên kết chặt chẽ với gia đình. Giáo viên phải liên hệ chặt chẽ với gia đình học sinh, giao bài tập cho học sinh và có sự liên kết, phản hồi thì mới bảo đảm được chất lượng học tập.

Em Phạm Bảo Thiên Kim, học sinh lớp 2, học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Hoàng Hùng

Dạy học trên truyền hình tính tương tác giữa giáo viên và học sinh không có nên nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải liên hệ chặt chẽ với học sinh, có hình thức giám sát học sinh học. Mỗi nhà trường cần có kế hoạch, phân công giáo viên quản lý chặt chẽ học sinh. Giáo viên bộ môn phải nắm thời khóa biểu môn học, bài học trên truyền hình để soạn hệ thống câu hỏi, hướng dẫn học sinh đọc tài liệu trước. Sau khi học sinh nghe giảng trên truyền hình thì giáo viên cần giao bài tập, chữa bài, giải đáp thắc mắc cho học sinh.

Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ TT-TT và các địa phương để bố trí khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ví dụ học sinh trung học sẽ học vào ban ngày, học sinh tiểu học sẽ học buổi tối, khi có cha mẹ ở bên hướng dẫn.

Về vấn đề kiểm tra, đánh giá, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc đánh giá học sinh định kỳ và cuối kỳ sẽ thực hiện ngay trong giai đoạn học qua Internet và truyền hình hay chờ khi học sinh trở lại trường.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, theo dự kiến, trong quá trình dạy học qua Internet và truyền hình, giáo viên thực hiện đánh giá học sinh thường xuyên. Khi các em quay lại trường, dành 2 tuần để hệ thống kiến thức và có thể kiểm tra 2 bài: bài kiểm tra định kỳ (1 tiết) và cuối kỳ (bài kiểm tra học kỳ).

Với học sinh mầm non, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các bậc phụ huynh trong thời gian cho con nghỉ học ở nhà thì bảo đảm chế độ dinh dưỡng và tổ chức hoạt động vui chơi cho các con.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, các trường phải xây dựng kế hoạch để ôn tập, củng cố kiến thức, bổ sung kiến thức cho học sinh còn hạn chế khi học qua Internet và truyền hình, có kế hoạch dạy học kế tiếp kết quả đã thực hiện trong giai đoạn này.

Trước đó, chiều 24-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc làm việc nhằm trao đổi thống nhất một số nội dung hỗ trợ triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời điểm dịch bệnh.

Để việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình đạt hiệu quả, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các nhà mạng internet có chính sách miễn phí dịch vụ internet cho học sinh, giáo viên sử dụng các hệ thống dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19.

Hiện nay có 14 đài truyền hình trong cả nước đang tham gia phát sóng dạy học trên truyền hình, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo thêm các đài truyền hình tham gia phát sóng dạy học, tăng thời lượng phát sóng cũng như chia sẻ nội dung, tiếp sóng các bài giảng qua các kênh truyền hình.

Trước thực trạng nhiều trường đại học quả tải về hạ tầng công nghệ thông tin khi đào tạo trực tuyến cho số lượng lớn sinh viên; việc truy cập internet của một số giáo viên, học sinh triển khai dạy học trực tuyến ở những vùng khó khăn còn hạn chế, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ TT-TT xem xét hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường đại học, cho các vùng khó khăn.

“Dịch bệnh đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới phương thức dạy học, tăng cường áp dụng công nghệ trong dạy và học; đồng thời nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin của ngành, trong đó có vấn đề số hóa, xây dựng kho học liệu, triển khai tốt đề án về công nghệ thông tin của toàn ngành trong giai đoạn tới. Sự hỗ trợ của Bộ TT-TT là rất cần thiết cho ngành Giáo dục không chỉ trong giai đoạn hiện nay và cả lâu dài”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Bộ TT-TT tài trợ dịch vụ đầu số nhắn tin để có thể nhắn tới số điện thoại ở các mạng di dộng phổ biến phục vụ thông tin chỉ đạo điều hành của Bộ GD-ĐT trong mùa dịch Covid-19 như cung cấp thông tin y tế, thông tin về dạy học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, giáo viên...

Thống nhất với các đề nghị của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ để đồng hành với ngành giáo dục trong giai đoạn trước mắt, trong đó có việc miễn phí hạ tầng dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời điểm dịch bệnh. Dự kiến, 2 bộ sẽ ký cam kết cụ thể cho những hỗ trợ này vào ngày 26-3.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top