Duy trì nền nếp dạy học “từ xa”

14:58 - Thứ Hai, 30/03/2020 Lượt xem: 7855 In bài viết

Nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, chỉ một số ít địa phương cho học sinh THPT đi học trở lại. Do thời gian nghỉ học kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian kết thúc năm học 2019-2020 và thi THPT quốc gia; hướng dẫn dạy học “từ xa” trên in-tơ-nét, truyền hình...

Học sinh lớp 9 tại Hà Nội học trên truyền hình. Ảnh: Minh Sơn

Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ GD và ÐT đã kịp thời điều chỉnh thời gian kết thúc năm học trước ngày 15-7, thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8-2020; đồng thời, hướng dẫn dạy học "từ xa" qua in-tơ-nét, truyền hình; tổ chức ôn tập, kiểm tra công nhận kết quả học tập thông qua hình thức nói trên khi học sinh trở lại trường. Nhiều địa phương như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Phòng, Thái Bình... đã tích cực áp dụng hình thức dạy học qua in-tơ-nét, truyền hình. Tại Hà Nội, từ ngày 9-3 đến nay, đã dạy trên truyền hình các môn dành cho học sinh lớp 9, lớp 12 nhằm giúp các em ôn luyện các kiến thức của năm học cuối cấp. Bài giảng do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao thực hiện. Trước đó, ngành giáo dục Thủ đô đã triển khai hệ thống học tập trực tuyến các môn: Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học cho học sinh lớp 8, lớp 9. Học sinh Trần Khánh Linh, lớp 12, Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Ðình, Hà Nội) cho biết, học trên truyền hình học sinh được thầy, cô giáo hệ thống kiến thức qua sơ đồ tư duy, hình ảnh sinh động ở tất cả các môn. Một số môn liên quan kỳ thi THPT quốc gia được chú trọng hơn.

Ðể việc học đi vào nền nếp, nhất là tạo thói quen cho học sinh, nhiều trường đã kết nối với phụ huynh, học sinh để nhắc nhở về giờ phát sóng, môn học, đồng thời giáo viên thống kê số lượng học sinh theo dõi truyền hình. Ðặc biệt, các trường phân công giáo viên bộ môn theo dõi, ghi chép các bài giảng trên truyền hình để hướng dẫn học sinh khi các em chưa hiểu bài. Thực tế, thời gian học trên truyền hình ngắn (30 phút/tiết) so với học trên lớp (45 phút/tiết) và học sinh không được tương tác trực tiếp với người dạy, cho nên học sinh chưa hiểu hết một số bài học, phải nhờ thầy, cô giáo ở trường giải đáp thêm.

Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học của học sinh là vấn đề đặt ra đối với mỗi trường. Theo Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD và ÐT Hà Nội Kiều Văn Minh, hình thức dạy học trên in-tơ-nét, truyền hình vừa có ưu điểm, vừa có hạn chế, nhưng là kênh bổ trợ kiến thức cho học sinh trong thời điểm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Khi đi học trở lại, giáo viên sẽ bổ sung kiến thức mà các em còn thiếu, chưa hiểu. Theo chỉ đạo của Bộ GD và ÐT, giáo viên các bộ môn rà soát toàn bộ nội dung, kiến thức học sinh đã học trên in-tơ-nét, truyền hình, những nội dung các em nắm chắc sẽ được lược bỏ để củng cố ôn luyện những kiến thức mới.

Nhiều cách làm sáng tạo đã xuất hiện. Ðiển hình như thầy giáo Nguyễn Hồng Thái, Trường THPT Trần Phú (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã tự bỏ kinh phí xây dựng website để giúp học sinh ôn tập môn Hóa học tốt hơn. Thầy Nguyễn Hồng Thái chia sẻ, đến nay, có 700 học sinh đăng ký theo học, bao gồm học sinh ở các trường THCS và THPT. Website hoàn toàn miễn phí, tập hợp một số vi-đê-ô, tư liệu bài giảng để học sinh tự ôn tập và nhất là có hệ thống đề trắc nghiệm theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia của một số năm trước. Thầy giáo Cao Quang Thiện, giáo viên Trường tiểu học Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chia sẻ, hằng ngày, thầy ra bài cho học sinh và gửi lên trang facebook của lớp, các phụ huynh hưởng ứng cách dạy này và cũng xin tham gia facebook để hỗ trợ con học tập. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy, việc dạy học trực tuyến tại địa phương chủ yếu là hướng dẫn học sinh ôn tập, hệ thống hóa kiến thức qua hình thức giao nhiệm vụ học tập thông qua các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin; hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, cách khai thác học liệu trên in-tơ-nét. Trong khi đó, theo Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Giang Trần Tuấn Nam, dạy học trực tuyến tại địa phương chủ yếu là giao bài tập cho học sinh và kiểm tra bài tập học sinh qua Zalo, email. Về việc học trên truyền hình, qua khảo sát thấy chưa đủ điều kiện, cho nên không đề xuất lãnh đạo tỉnh phương án dạy học theo hình thức này.

Một số giáo viên cho biết, ưu điểm của học trực tuyến là học sinh không ngại ngùng, rụt rè khi trao đổi, chia sẻ ý kiến như trên lớp, thậm chí, học sinh còn đặt những câu hỏi hay, đồng thời khuyến khích học sinh nhanh chóng vào nền nếp, nhất là làm bài tập để nộp online. Một số trường còn tổ chức tiết sinh hoạt lớp trực tuyến vào một ngày trong tuần để cô giáo và học sinh trao đổi, đánh giá kết quả rèn luyện ở nhà, nhắc nhở ý thức học. Tuy nhiên, một số trường còn chậm triển khai, chủ yếu chỉ giao bài cho học sinh làm, khi gặp kiến thức khó, học sinh tạm gác lại. Có nơi cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, mạng không ổn định khiến chất lượng dạy, học bị ảnh hưởng. Do học "từ xa", thiếu sự giám sát chặt chẽ của phụ huynh, một số học sinh chưa nghiêm túc, có tình trạng học sinh nhờ nhau làm bài tập để nộp online.

Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ yêu cầu các trường tiếp tục rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo Công văn số 4612 ngày 3-10-2017 của Bộ GD và ÐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh (dạy học giảm tải). Trong quá trình thực hiện, cần lựa chọn công cụ dạy học phù hợp điều kiện thực tế; tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác. Bên cạnh đó, các trường hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học do Bộ GD và ÐT phối hợp Ðài Truyền hình Việt Nam xây dựng trên kênh VTV 7 và một số kênh truyền hình Trung ương, địa phương.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top