Tinh giản nội dung nhưng không "buông lỏng" chất lượng

15:05 - Thứ Ba, 31/03/2020 Lượt xem: 8347 In bài viết

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học kéo dài, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học hai lần và đang tiến hành rà soát nhằm tinh giản nội dung chương trình giáo dục của các cấp học. Tuy nhiên, nhiều giáo viên và học sinh quan tâm chương trình sẽ được tinh giản thế nào để bảo đảm chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng.

Giờ học của học sinh Trường phổ thông liên cấp Edison (Hưng Yên). Ảnh: Vĩnh Hà

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Xuân Thành, để rút ngắn chương trình học kỳ 2 do học sinh nghỉ tránh dịch Covid-19 dài ngày, Bộ đã có quyết định thành lập các tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung dạy học của tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12. Mỗi tiểu ban được thành lập sẽ ứng với một môn học của từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông. Thành phần tiểu ban rà soát bao gồm có các chuyên gia giáo dục, tác giả sách giáo khoa hiện hành, giảng viên trường đại học sư phạm, đại diện sở GD và ÐT cùng giáo viên trực tiếp đứng lớp của môn học đó. Việc rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chương trình đáp ứng các nguyên tắc: Bảo đảm mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo quy định; bảo đảm tính lô-gích của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học; thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục và phù hợp điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường. Căn cứ vào chương trình và đối chiếu với sách giáo khoa để giảm các nội dung nâng cao, sao cho bảo đảm yêu cầu tối thiểu, nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Tích hợp các bài học trong sách giáo khoa thành các bài học theo chủ đề. Bảo đảm các địa phương dạy học sao cho tiết kiệm thời gian và thiết kế các bài giảng trên in-tơ-nét và trên truyền hình đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.

Ðại diện một số địa phương cho rằng, việc tinh giản chương trình trong hoàn cảnh học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19 là một giải pháp đúng đắn và cần thiết. Giám đốc Sở GD và ÐT Nghệ An Thái Văn Thành đề nghị, Bộ GD và ÐT cần có nhiều phương án tinh giản chương trình ứng với nhiều kịch bản khác nhau vì chưa biết bao giờ dịch bệnh kết thúc để học sinh trở lại trường. Trong tình huống học sinh phải nghỉ học dài hơn thì cần có phương án tinh giản nhiều hơn nữa. Giám đốc Sở GD và ÐT Phú Thọ, Trịnh Thế Truyền cho rằng: Ngành GD và ÐT với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên đang chịu tác động rất lớn từ dịch Covid-19, cho nên chất lượng giáo dục không thể đòi hỏi được như các năm học bình thường. Do vậy, hướng dẫn tinh giản của Bộ cần dựa vào điều kiện dạy học tối thiểu để thực hiện thống nhất trên cả nước. Có thể áp dụng hình thức dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9, lớp 12 hoàn thành chương trình. Còn lại các lớp khác nếu không đủ thời gian thì dạy bù nội dung kiến thức chương trình còn thiếu của năm nay sang năm học sau. Giám đốc Sở GD và ÐT Ðà Nẵng Lê Thị Bích Thuận đề xuất Bộ GD và ÐT thực hiện thống nhất giảm tải ở cấp THPT để thống nhất trên cả nước vì nội dung học tập ở khối lớp này liên quan kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học. Còn các cấp tiểu học, THCS thì định hướng và giao cho địa phương chủ động rà soát, tinh giản để giảm bớt gánh nặng.

Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Hữu Ðộ cho biết, không thể đẩy phần nội dung chương trình năm học này sang năm học kế tiếp được vì cần phải bảo đảm học sinh hoàn thành yêu cầu tối thiểu của chương trình thì mới xét lên lớp, xét chuyển cấp. Vì vậy, Bộ GD và ÐT sẽ lựa chọn hướng tinh giản để vẫn bảo đảm học sinh kết thúc năm học, đạt chuẩn đầu ra như quy định. Về tinh giản chương trình, mục tiêu là giảm được từ năm đến bảy tuần so với chương trình hiện nay để đến ngày 15-7 là kết thúc năm học. Tuy nhiên, việc tinh giản không thực hiện cơ học và phải bảo đảm cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Bên cạnh đó, Bộ GD và ÐT sẽ đưa ra một "mức trần" tinh giản chương trình trong điều kiện có thể bởi phải tính đến tình huống thời gian học trực tiếp còn quá ít. Yêu cầu đặt ra là học sinh vẫn hoàn thành chương trình năm học này ở mức tối thiểu.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành GD và ÐT không chỉ lùi thời gian mà còn đang tập trung rà soát để tinh giản nội dung chương trình học kỳ hai của các cấp học, nhất là lớp 9 và lớp 12 với phương châm tinh giản nội dung nhưng không "buông lỏng" chất lượng. Từ đó tổ chức xây dựng các bài giảng điện tử hoặc các bài giảng để ứng dụng trên các hạ tầng công nghệ. Các bài giảng này phải được thẩm định thống nhất. Trên cơ sở nội dung đã tinh giản, Bộ GD và ÐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top