Dạy học trên truyền hình trong mùa dịch Covid-19

08:57 - Thứ Năm, 09/04/2020 Lượt xem: 9784 In bài viết

Dạy học trên truyền hình đang là giải pháp chủ động ứng phó trước việc học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, góp phần giúp các em đảm bảo việc học tập, ôn luyện, không bị hổng kiến thức.

Em Bùi Tuấn Thành, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Chuyên Lê Qúy Ðôn, TP. Ðiện Biên Phủ học bài trực tuyến.

Trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, để giúp học sinh nắm bắt kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp và tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã phối hợp với Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng chương trình “Học trên truyền hình” dành cho học sinh; trong đó ưu tiên học sinh lớp 9 và lớp 12. Với 12 môn học được phát sóng, mỗi số phát sóng là một môn học có thời lượng 30 phút. Trong đó, học sinh lớp 9 học 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh vào khung giờ: sáng từ 9 giờ 15 phút - 9 giờ 45 phút các ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Học sinh lớp 12 học 9 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý và Giáo dục công dân, vào các khung giờ chiều: từ 14 giờ 30 phút - 15 giờ, 15 giờ 15 phút - 15 giờ 45 phút, 16 giờ - 16 giờ 30 phút các ngày từ thứ hai đến thứ bảy. Các bài dạy trên truyền hình đan xen các bài học mới, nối tiếp chương trình dạy học trong chương trình lớp 9, lớp 12 (năm học 2019 - 2020) và các bài ôn tập. Ðồng thời đối với học sinh các khối lớp 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11 có thể theo dõi Chương trình Học trên truyền hình, phát sóng trên kênh 2 của Ðài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội.

Sau một thời gian triển khai, hình thức dạy học trên truyền hình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh. Qua khảo sát của phóng viên, đa số ý kiến cho rằng, việc học qua truyền hình rất hữu ích, đạt được lợi ích kép khi vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, vừa giúp học sinh học tập, ôn luyện kiến thức. Ðang bước vào những ngày ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên em Bùi Tuấn Thành, học sinh lớp 12C3, Trường THPT Chuyên Lê Quý Ðôn, TP. Ðiện Biên Phủ đã lựa chọn theo dõi và học trên các kênh truyền hình để bổ sung, củng cố kiến thức. Những ngày qua, đúng 14 giờ 30 phút, em đều bật sẵn tivi và chuẩn bị sách vở để học. Ðược hỏi về cảm nhận khi trải nghiệm phương thức học mới trong mùa dịch, Bùi Tuấn Thành cho biết: Trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, em chủ yếu tự học theo các bài giảng trên truyền hình. Với nội dung truyền tải sinh động, ngắn gọn, súc tích, các bài giảng được chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng, giúp em có hứng thú hơn trong việc học. Ngoài ra, việc học trên truyền hình có thể dễ dàng xem lại nhiều lần, trên tinh thần xem nhiều, nghe nhiều để dễ nhớ, dễ thuộc bài.

Với các bài giảng trên truyền hình được thiết kế bám sát với chương trình giáo dục hiện hành và đội ngũ giáo viên uy tín, giàu kinh nghiệm giảng dạy đã thu hút được phần lớn học sinh theo dõi. Em Tạ Phương Anh, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Phan Ðình Giót cho biết: Dù việc học qua truyền hình khiến học sinh không có tương tác trực tiếp với giáo viên nhưng các bài giảng đều rất dễ hiểu, kiến thức được chắt lọc, tổng hợp, nên việc học khá hiệu quả. Ngoài ra, các bài giảng được thiết kế theo nguyên tắc tiếp nối với các bài học trong chương trình trước khi các em nghỉ học, giúp em nhanh chóng tiếp cận, từ đó chủ động trong việc ôn tập bài học mỗi ngày.

Có thể thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, thì vấn đề dạy và học trên truyền hình được xem là giải pháp hiệu quả để ứng phó trước việc học sinh không thể đến trường. Ðồng thời, việc dạy học này nhằm duy trì nền nếp, giữ thói quen học tập, giúp củng cố được kiến thức và kỹ năng cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp cũng như giúp phụ huynh thấy an tâm hơn khi cho con nghỉ học. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Minh Thuần, phụ huynh em Bùi Tuấn Thành, chia sẻ: “Khi các con có thời gian nghỉ học dài như vậy và Bộ Giáo dục và Ðào tạo triển khai nhiều chương trình học qua truyền hình thì tôi thấy rất phù hợp, giúp các con được học tập, có thêm hứng thú mới để tìm hiểu và học tốt hơn. Bản thân tôi rất khuyến khích con theo học cách dạy trên truyền hình và tôi nghĩ các bậc phụ huynh nên đồng hành cùng với các cơ sở giáo dục trong việc học trên truyền hình của các cháu tại nhà”.

Ðể việc dạy học qua truyền hình được hiệu quả, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông báo tới học sinh thời gian phát sóng các bài giảng trên truyền hình; chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên bộ môn giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo nội dung bài học qua mạng internet như e-mail, zalo… Ngoài ra, phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh. Sau khi học sinh đi học trở lại, các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy trong chương trình theo quy định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo cho biết: Việc dạy học trên truyền hình trong thời gian này là giải pháp phù hợp nhất nhằm hỗ trợ học sinh từ cấp tiểu học, THCS đến THPT trong thời gian không đến trường mà vẫn duy trì nền nếp, thói quen học tập, phát triển năng lực, khả năng tự học, góp phần bổ sung kiến thức học sinh. Tuy vậy, về lâu dài việc tổ chức dạy học trên truyền hình cần được đầu tư và thực hiện bài bản hơn nữa, như: Tăng cường máy móc, thiết bị; đầu tư xây dựng tài nguyên bài giảng và học liệu đầy đủ; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời của người học.

Minh Thảo
Bình luận
Back To Top