Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin từ dạy học trực tuyến

08:58 - Thứ Ba, 09/06/2020 Lượt xem: 8719 In bài viết

Với phương châm "tạm dừng đến trường không dừng học", những tháng đầu năm, mặc dù học sinh không đến trường do dịch Covid-19 nhưng vẫn được tiếp cận với kiến thức, với thầy cô giáo, được kết nối qua môi trường mạng. Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để ứng dụng công nghệ.

Một giờ dạy môn Lịch sử trên truyền hình.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tốt việc dạy học trực tuyến qua in-tơ-nét, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh, bảo đảm mọi học sinh đều được ôn luyện kiến thức. Trong đó, tỷ lệ học sinh học qua in-tơ-nét đạt 86,5% và trên truyền hình đạt 87,5% đối với học sinh ở các thành phố trực thuộc T.Ư. Các khu vực khác là: đồng bằng sông Hồng đạt 79,4% và 72,1%; Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt 70% và 63%; Bắc Trung Bộ đạt 38,3% và 36,3%; trung du phía bắc đạt 41,4% số học sinh cả học trên in-tơ-nét và truyền hình… Việc dạy học trên in-tơ-nét, truyền hình góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, kiểm tra đánh giá và quản trị nhà trường. Mặt khác, việc dạy học giúp tăng cường các kỹ năng khai thác và sử dụng CNTT của giáo viên và học sinh; đẩy mạnh sự tham gia của xã hội vào chuyển đổi số cho ngành giáo dục. Ðáng chú ý, việc dạy học rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học như: Tỉnh Phú Thọ rút ngắn được 4 - 6 tuần; Nghệ An, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Nguyên rút ngắn được 2 - 4 tuần; Lào Cai, Khánh Hòa rút ngắn được 3 - 4 tuần. Quá trình dạy học trực tuyến đã tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh, chất lượng giáo dục được bảo đảm.

Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết, quá trình nghỉ học tập trung phòng tránh Covid-19, Hà Nội đã triển khai ba phương thức dạy cho học sinh là dạy trên truyền hình, in-tơ-nét và dạy qua phần mềm Hà Nội study. Kết quả cho thấy, 100% số học sinh tham gia học trên truyền hình; 95% - 98% tham gia học trực tuyến trên in-tơ-nét. Ðối với giáo viên, 100% có thể dạy học trực tuyến. Giám đốc Sở GD và ÐT Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy cho biết, có hơn 71% số học sinh tiểu học và THCS và hơn 92% số học sinh THPT tham gia học trên in-tơ-nét, truyền hình. Quá trình dạy học cho thấy giáo viên và học sinh ứng dụng CNTT tốt. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đường truyền chưa bảo đảm, tốc độ, dung lượng bị nghẽn. Phần mềm dạy học trực tuyến chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần sớm ban hành khung pháp lý cho dạy học trực tuyến. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc tích cực, sự hỗ trợ của các bộ, ngành để triển khai dạy học hiệu quả. Giám đốc Sở GD và ÐT Quảng Trị Lê Thị Hương cho rằng, khó khăn trong dạy học trên in-tơ-nét, truyền hình là điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhất là khi nhu cầu sử dụng CNTT trong cùng một thời gian tăng cao thì hạ tầng cơ sở vật chất còn bất cập. Cùng với đó là, thiết bị dạy học còn thiếu. Vì vậy, Bộ GD và ÐT cần sớm ban hành cụ thể quy định, các cơ chế, chính sách về cơ sở hạ tầng, quy trình tổ chức dạy học, cơ sở dữ liệu... cho việc dạy học trên in-tơ-nét, truyền hình.

Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, thực hiện chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học, hằng năm, Bộ GD và ÐT đều có hướng dẫn cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, cơ bản phương thức dạy học trực tuyến đối với các cấp học đều có kết quả tích cực. Trong thời kỳ dịch Covid-19, có thể nói, kỹ năng về CNTT, chuyển đổi số của học sinh, giáo viên đã được nâng cao. Khảo sát ban đầu sau khi học sinh trở lại trường cũng cho thấy, chất lượng dạy và học trực tuyến được bảo đảm. Vì vậy, thời gian tới, phương thức dạy học qua in-tơ-nét, truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai.

Ðáng chú ý, Bộ GD và ÐT sẽ tiếp tục tinh giản chương trình, thông qua việc đánh giá quá trình tinh giản thời gian qua để hướng tới chương trình phổ thông hiện hành tinh gọn, hiệu quả. Ngành GD và ÐT sẽ tập trung hạ tầng CNTT trong dạy học; trong đó, bảo đảm phần mềm, kết nối đầu cuối, bảo đảm an ninh mạng. Ðối với máy chủ, đường truyền, các địa phương phối hợp các nhà mạng, công ty công nghệ để thực hiện; không nhất thiết phải mua sắm toàn bộ, mà có thể thuê. Ngành giáo dục cũng xây dựng kho học liệu số. Trong đó, mời những thầy, cô giáo có kinh nghiệm thực hiện các bài giảng trên cơ sở chương trình tinh giản để có kho học liệu dùng chung. Từng bước số hóa và phát triển giáo án điện tử với sự tham gia đóng góp xây dựng kho học liệu hệ tri thức Việt số hóa của thầy giáo, cô giáo và học sinh.

Giáo viên sẽ được tập huấn, hướng dẫn phương pháp sư phạm để dạy học trực tuyến. Học sinh cũng được hướng dẫn nâng cao tính tự giác và trách nhiệm, nhất là những kiến thức, kỹ năng phòng tránh tác động xấu trên môi trường mạng. Các trường tiếp tục kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp; những tiết giờ nào có thể học trực tuyến thì thống nhất để kết hợp, có quy định về chế độ dạy học trực tuyến để giáo viên yên tâm thực hiện; đồng thời có biện pháp nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo không tham gia chuyển đổi số. Bộ GD và ÐT sẽ ban hành quy chế chính thức dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, tiến tới chuẩn hóa để áp dụng rộng rãi.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top