Đồ ăn vặt nơi cổng trường

15:10 - Thứ Năm, 09/07/2020 Lượt xem: 9623 In bài viết

ĐBP - Quà vặt đã trở thành sở thích của rất nhiều học sinh ở mọi lứa tuổi. Với sự phát triển của xã hội hiện nay, những món quà vặt không còn đơn giản là gói bim bim, bỏng ngô, kẹo mút... mà là những đồ ăn rất đa dạng, bắt mắt về hình thức, thu hút học sinh. Điều đáng nói là, rất nhiều loại đồ ăn vặt này không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Học sinh ăn sáng tại quầy hàng di động gần cổng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP. Điện Biên Phủ).

Có mặt tại Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP. Điện Biên Phủ) vào giờ tan tầm, chúng tôi thấy những quán hàng ăn vặt đã bày bán rất nhiều món ăn với đầy đủ chủng loại. 16 giờ 30 phút, tiếng trống tan trường vang lên, báo hiệu giờ "vàng" của những người bán hàng tại đây đã đến. Cánh cổng trường vừa mở, học sinh đã chen nhau chạy đến những quán bán đồ ăn vặt để chọn cho mình món ăn ưa thích, như: Xúc xích, nem chua rán, tôm viên, cá viên, các loại bánh, kẹo... Ai nấy đều ăn thật ngon lành, không giấu được vẻ thích thú. Khi được hỏi tại sao lại yêu thích những món ăn ngoài cổng trường đến vậy, em Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tíu tít trả lời: “Cuối buổi học nào em và các bạn cũng rủ nhau mua xúc xích, xiên rau củ, thịt bò khô tại cổng trường ăn; vừa vui lại vừa ngon, giá thì rất rẻ chỉ 5.000 - 10.000 đồng là có thể mua được rồi”.

Trong vai phụ huynh học sinh, chúng tôi được tiếp cận gần với các loại bánh kẹo bên ngoài có màu sắc sặc sỡ, bao bì mang nhiều hình ảnh những nhân vật quen thuộc với các em nhỏ rất bắt mắt, như: Công chúa elsa, doremon, chuột mickey… với giá bán chỉ từ 1.000 đồng. Xem kỹ bao bì, những gói kẹo, gói bim bim hay bò khô giá rẻ hầu hết có in chữ Trung Quốc, không có nhãn tiếng Việt ghi rõ ràng thông tin theo quy định (thành phần, hạn sử dụng...). Khi được hỏi về nguồn gốc và chất lượng các loại đồ ăn này, người bán hàng không chứng minh được nguồn gốc mà trả lời qua loa rằng các mặt hàng này được các em học sinh ưa thích nên mới nhập về bán.

Học sinh Trường THCS Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) mua và sử dụng thực phẩm được bày bán trước cổng trường.

Dạo quanh các trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, bên cạnh những quán ăn vặt được mở cố định gần các cổng trường, thì những quán di động cũng khá phổ biến. Những quán này thường chỉ xuất hiện vào những khung giờ “vàng” để kịp thời phục vụ “thượng đế” nhí; nhiều quán còn đầu tư thêm vài ba chiếc bàn và chục chiếc ghế nhựa. Điều đáng nói là, những người bán hàng đều dùng tay trần để thực hiện các công đoạn từ chế biến, lau dọn đến trả tiền thừa cho khách. Chưa kể những vật dụng để chế biến đều rất sơ sài; đồ ăn chế biến ngay ngoài đường, bất chấp bụi bẩn, khói xe; còn học sinh thì vô tư ăn uống mà không hề để ý đến độ an toàn của những món ăn vặt đó. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng vệ sinh ATTP từ những món quà vặt trước cổng trường học.

Trên thực tế, chỉ cần nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể bảo đảm vệ sinh ATTP. Nhưng nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra khá dễ dãi trong việc chiều theo sở thích, nhu cầu của con. Thậm chí, có bậc phụ huynh vì chiều con mà “tận tay” mua những đồ ăn không rõ nguồn gốc cho con mình. Chia sẻ về việc con gái thường xuyên mua đồ ăn vặt tại cổng trường, chị Nguyễn Thùy Dung (phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ), cho biết: “Vì công việc bận rộn, mỗi ngày tôi thường cho con 10.000 đồng để mua đồ ăn sáng nhưng cháu lại dùng tiền đó để mua những đồ ăn vặt khác. Mặc dù biết nguy cơ về ngộ độc từ quà vặt, các loại thức ăn nhanh này là rất cao, nhưng vì con thích ăn và cứ đòi mua nên tôi đành chiều”. Không riêng chị Dung mà nhiều bậc phụ huynh khi được hỏi đều tỏ ra rất lo ngại về mức độ an toàn của những đồ ăn được bày bán ở cổng trường. Đa số phụ huynh cho rằng các loại đồ ăn này không an toàn; nhưng cấm con ăn cũng khó, hơn nữa những đồ ăn này rất rẻ và tiện nên đành tặc lưỡi cho qua.

Trước thực trạng trên, nhiều cơ sở giáo dục đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế học sinh ăn quà vặt trước cổng trường. Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, cho biết: “Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền dưới cờ và trong giờ sinh hoạt lớp về tác hại của những thực phẩm đường phố, đưa ra dẫn chứng cụ thể và đặt các câu hỏi liên quan để học sinh trả lời nhằm nâng cao nhận thức cho các em. Đồng thời, giao cho giáo viên chủ nhiệm, đội cờ đỏ trực tiếp đi kiểm tra ở các lớp, kịp thời nhắc nhở những học sinh mua thức ăn vặt mang vào trường; yêu cầu các em không ra khỏi cổng trường trong giờ ra chơi; tuyên dương học sinh thực hiện tốt và phê bình những em còn vi phạm… Nhờ vậy, đã giảm thiểu được tình trạng học sinh ăn quà vặt trước cổng trường”.

Mặc dù tại Điện Biên chưa có vụ việc đau lòng nào xảy ra do sử dụng đồ ăn vặt tại các cổng trường; song những trường hợp trẻ ăn quà vặt dẫn đến rối loạn tiêu hoá, bị các bệnh về đường ruột không phải là không có. Chính tâm lý thích ăn quà vặt của học sinh, cùng sự chủ quan của các bậc phụ huynh đã vô tình tạo điều kiện cho các hàng quán vỉa hè, hàng rong hoạt động.

Thiết nghĩ, để hạn chế nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ các loại thực phẩm bày bán ở cổng trường, các ngành chức năng cần hành động cương quyết hơn; thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các cá nhân buôn bán hàng rong vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng. Các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh kiến thức về vệ sinh ATTP. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát, nhắc nhở, phối hợp với các bậc phụ huynh để xử lý học sinh vi phạm. Các bậc phụ huynh cũng cần lựa chọn những thực phẩm an toàn cho con em mình; hướng dẫn các em ý thức cảnh giác với các sản phẩm không có nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top