Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh

09:17 - Thứ Hai, 19/10/2020 Lượt xem: 7616 In bài viết

ĐBP - Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12 với mục tiêu cơ bản giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, cũng như hình thành, phát triển các năng lực chung để sống, làm việc hiệu quả hơn, học tập tốt hơn các môn học khác. Song do thiếu giáo viên, việc triển khai dạy học môn tiếng Anh trên địa bàn tỉnh đang gặp không ít khó khăn, làm ảnh hưởng chất lượng dạy và học.

Một tiết học môn tiếng Anh của cô và trò Trường THCS xã Thanh Nưa.

Năm học 2020 - 2021, Trường THCS xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) có 16 lớp với tổng số 541 học sinh. Toàn trường hiện có 33 giáo viên nhưng chỉ có 2 giáo viên môn tiếng Anh nên chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Theo quy định, giáo viên tiếng Anh cấp THCS phải đảm bảo định mức 19 tiết/tuần, nhưng do thiếu giáo viên nên hiện tại giáo viên tiếng Anh của Trường THCS Thanh Nưa phải dạy quá số tiết quy định. Mặc dù đã được chi trả tiền làm thêm giờ theo quy định nhưng việc dạy quá số tiết khiến giáo viên không có nhiều thời gian đầu tư cho việc soạn giảng, bồi dưỡng, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Ðể khắc phục tình trạng này, nhà trường đã tham mưu cho Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Ðiện Biên tăng cường giáo viên dạy môn tiếng Anh cho trường.

Năm học này, Trường PTDTBT THCS Sa Lông (huyện Mường Chà) có 8 lớp với 271 học sinh của 4 khối học. Dù có số lượng lớp và học sinh ít hơn Trường THCS xã Thanh Nưa nhưng do toàn trường chỉ có 1 giáo viên dạy môn tiếng Anh nên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Vì vậy, Phòng GD&ÐT huyện Mường Chà phải tăng cường giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Sa Lông lên dạy các tiết học còn thiếu cho học sinh nhà trường. Về lâu dài, Trường cũng đang đề nghị Phòng GD&ÐT huyện bổ sung biên chế giáo viên môn tiếng Anh cho nhà trường.

Thống kê của ngành GD&ÐT, toàn tỉnh hiện có 568 giáo viên môn tiếng Anh của 3 cấp học: Tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, cấp tiểu học có 211 giáo viên, cấp THCS có 227 giáo viên và cấp THPT có 130 giáo viên. So với nhu cầu thực tế còn thiếu 170 giáo viên tiếng Anh, chủ yếu thuộc cấp tiểu học (thiếu 138 giáo viên), 2 cấp học còn lại thiếu 32 giáo viên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở các cấp học là do thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn tuyển dụng nhưng chất lượng rất thấp không đảm chất lượng giảng dạy. Một nguyên nhân khác là do một bộ phận giáo viên chuyển vùng, nghỉ chế độ. Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT, việc thiếu giáo viên tiếng Anh không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh mà còn ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là việc triển khai đồng bộ, liên thông chương trình tiếng Anh hệ 10 năm từ cấp tiểu học lên THCS và THPT. Do một số trường tiểu học, học sinh lớp 3 học tiếng Anh bắt buộc 4 tiết/tuần nhưng khi lên lớp 4 hoặc lớp 5 lại học tự chọn 2 tiết/tuần do không đủ giáo viên để bố trí thời khóa biểu. Vì vậy, khi học sinh lên cấp THCS, THPT không thể triển khai dạy và học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm. Mặt khác, việc thiếu giáo viên tiếng Anh tại các trường cũng làm ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá do giáo viên không có thời gian đầu tư cho bài soạn, bài giảng nên không áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Việc kiểm tra, đánh giá đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) bị ảnh hưởng do không có đủ giáo viên để thực hiện đánh giá kỹ năng cho số lượng lớn học sinh trong toàn trường.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết thêm: Ðể khắc phục tình trạng thiếu giáo viên môn tiếng Anh, hàng năm, ngành GD&ÐT đều xây dựng kế hoạch tuyển dụng nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học; chủ động sắp xếp, bố trí giáo viên tiếng Anh trên cùng địa bàn xã giảng dạy ở 2 trường tiểu học hoặc THCS. Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh và Bộ GD&ÐT cho phép đơn vị làm việc với Trường Ðại học Sư phạm - Ðại học Thái Nguyên đào tạo giáo viên tiếng Anh theo hình thức đặt hàng nhằm có đủ số lượng giáo viên để triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh các cấp về năng lực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dạy và học; cử giáo viên tham gia các đợt tập huấn, bồi dưỡng do Bộ GD&ÐT, Ðề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức; thường xuyên bồi dưỡng về phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Ðồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhất là các thiết bị dạy học tối thiểu như đài, băng, đĩa, CD và một số thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy nhằm từng bước nâng cao chất lượng học tập môn tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top